Hà Nội:

Tờ rơi chiêu sinh “oanh tạc” các điểm thi

(Dân trí) - Với những tờ rơi quảng cáo chiêu sinh ấn tượng, hàng loạt các trường Trung cấp chuyên nghiệp, các trường đào tạo nghề “rầm rộ” ra quân để rải một lượng lớn đến tay sĩ tử ngay trong thời điểm kì thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra.

Theo quan sát của Dân trí, hàng loạt các điểm thi đóng trên địa bàn huyện Thường Tín, Phú Xuyên… đều được "bố trí" dày đặc các nhân viên tiếp thị chiêu sinh quảng cáo của nhiều trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường đào tạo nghề… Khác với mọi năm là lực lượng rải tờ rơi tương đối mỏng và chủ yếu là do các nhân viên tuyển sinh phụ trách thì năm nay các trường này đưa ra "sáng kiến" nhờ trực tiếp những học viên của trường có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh đảm nhận việc phát tờ rơi.
 
Tờ rơi chiêu sinh “oanh tạc” các điểm thi - 1

Thí sinh đang trong phòng thi thì lực lượng phát tờ rơi "tập kích" phụ huynh.

Hà, sinh viên năm thứ nhất Trường TC Công nghệ và Kinh tế đối ngoại (trường đóng ở địa bàn huyện Từ Liêm, Hà Nội) nhưng lại có hộ khẩu thường trú tại huyện Phú Xuyên nên đã “xung phong” quảng bá trường tại quê nhà.

“Em làm công việc này tình nguyện là chính. Mình là học viên của trường thì phải giúp đỡ trường chứ”, Hà cho biết.

Sự "ra quân" lần này của đội ngũ phát tờ rơi quảng cáo không chỉ dừng lại các trường đóng ở khu vực trung tâm TP Hà Nội mà ngay cả các trường đóng tại địa bàn cũng nỗ lực tranh đua.

Quyên, người làm công tác tuyển sinh của trường TC Nghề cơ điện và chế biến thực phẩm đóng ngay trên địa bàn huyện Phú Xuyên cho biết: “Đợt ra quân này này trường mong muốn được quảng bá thương hiệu của mình là chính”

Phương thức hoạt động của công tác chiêu sinh năm nay không có gì đặc biệt. Vẫn với hình thức là tập kết phát cho phụ huynh khi mà thí sinh đang làm bài và “nhấn” vào tay thí sinh sau mỗi môn thi kết thúc.

Tuy nhiên, trong khi kẻ chiêu sinh hăm hở phát tờ rơi thì sĩ tử tham dự kì thi tốt nghiệp THPT lại có những tâm trạng đón nhận rất khác nhau.

Là một thí sinh làm được bài khá tốt, Thu Lan chia sẻ: “Thật ra khi họ phát và cản trở mình ra về thì cũng hơi bực mình một chút. Đang tâm lý thi cử thì còn thời gian đâu mà xem những tờ chiêu sinh đó. Đây rõ ràng là sự lãng phí lớn”.
 
Tờ rơi chiêu sinh “oanh tạc” các điểm thi - 2

Tan mỗi buổi thi thì những tờ rơi lại được "nhấn" vào tay thí sinh.

Còn Duy Hưng, một thí sinh làm bài không được “trôi chảy” cho lắm thì bày tỏ vẻ đầy ức chế: “Tâm trạng đang không được vui lại thấy các cụm từ như “không cần đỗ tốt nghiệp” là em đã tức anh ách. Em cầm tờ rơi là tỏ thái độ tôn trọng chứ cầm xong là em vứt liền”.

Chia sẻ với chúng tôi, cô bạn đi cùng Hà tâm sự: "Thật ra khi thấy các em vừa cầm xong tờ rơi rồi vứt ngay trước mặt thì bản thân em cũng bị ức chế nhiều. Tuy nhiên đó là quyền của họ, mình không thể trách được. Nhiệm vụ của mình thì cứ làm thôi”

Cũng theo cô bạn này thì việc phát tờ rơi nhắm tới đối tượng phụ huynh là có hiệu quả nhất. Bởi trong lúc chờ đợi thì các bậc phụ huynh sẽ xem xét nội dung tờ rơi kỹ lưỡng hơn và sẽ có định hướng cho con cái sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trước động thái của nhiều trường như vậy, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong tuyển sinh chia sẻ: “Thật ra cách làm này chưa hẳn đã hiệu quả. Thời gian qua có một số trường TCCN, trường đào tạo nghề đã biết gắn kết với các trường THPT của nhiều địa phương. Họ không cần phải phát nhiều tờ rơi mà chỉ cần in một tờ rồi gửi đến nhờ dán để thông báo cho thí sinh. Trong suốt thời gian học tại trường thì các thông báo như vậy sẽ dễ làm các em chú ý hơn. Cách làm này có vẻ rất hiệu quả”.

Theo lời tâm sự của không ít các trường TCCN, đào tạo nghề… thì hàng năm họ tốn một khoản chi phí rất lớn để in các tờ rơi quảng cáo với thông tin hấp dẫn và màu sắc dễ bắt mắt để tạo ra sự chú ý đối với thí sinh (các tờ rơi pho to không được hiệu quả). Tuy nhiên hiệu quả của việc này không phải trường nào cũng đạt được. Chính vì thế nhiều năm qua tình trạng nhiều trường thiếu sinh viên so với chỉ tiêu là điều không có gì là lạ.

“Biết là lỗ nhưng vẫn phải làm. Nếu mở ngành ra mà không có người đến học thì lại còn “khốn đốn” hơn. Trước mắt thì cần phải tạo chất lượng tốt để chứng tỏ cho những thí sinh tin tưởng đầu đơn vào. Mà khi điều này đã đạt thì chính các em sẽ là người tuyên truyền cho nhà trường”, một hiệu trưởng của trường TCCN ở Hà Nội bộc bạch.

Nguyễn Hùng