Trường đại học đầu tiên đạt hai chuẩn kiểm định quốc tế uy tín

(Dân trí) - Chiều ngày 22/1, Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (gọi tắt là AUN) đã trao giấy chứng nhận đạt chuẩn AUN-QA cấp cơ sở giáo dục cho Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Dịp này, AUN cũng trao chứng nhận cho 9 chương trình thuộc các trường đại học thành viên ĐH Quốc gia TPHCM.

Trường ĐH Bách khoa TPHCM là cơ sở giáo dục đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đến thời điểm này đạt cùng lúc 2 chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế uy tín là AUN - QA (tiêu chuẩn chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) và HCERES (tiêu chuẩn chất lượng của Hội đồng cấp cao về đánh giá Nghiên cứu và Giáo dục Đại học Pháp).


Bà Nantana Gajaseni (thứ ba từ trái sang), quyền Chủ tịch Hội đồng AUN-QA trao chứng nhận đạt chuẩn cho trường ĐH Bách khoa TPHCM

Bà Nantana Gajaseni (thứ ba từ trái sang), quyền Chủ tịch Hội đồng AUN-QA trao chứng nhận đạt chuẩn cho trường ĐH Bách khoa TPHCM

Tiêu chuẩn của AUN đánh giá mức độ đạt chuẩn của một cơ sở giáo dục sẽ dựa trên nhiều hoạt động. Trong đó sẽ bao gồm: Lãnh đạo và quản lý, Quản lý chiến lược, Thiết kế và rà soát chương trình đào tạo, Quản lý nghiên cứu khoa học, Các hợp tác và đối tác nghiên cứu khoa học, Kết nối và phục vụ cộng đồng.

Cũng trong chiều 22/1, AUN cũng trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo cho 9 chương trình thuộc các trường đại học thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM. Đó là các chương trình: Thạc sĩ Công nghệ Sinh học - trường ĐH Quốc tế; Điện điện tử, Kỹ thuật môi trường - trường ĐH Bách Khoa; Báo chí, Văn học - trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; Hóa học - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Kinh tế học, Kế toán - Trường ĐH Kinh tế Luật và Hệ thống thông tin - Trường ĐH Công nghệ thông tin.

Tính đến thời điểm hiện tại, ĐH Quốc gia TPHCM đang dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế với 2 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET (tiêu chuẩn chất lượng của Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ Hoa Kỳ), 7 chương trình đạt chuẩn CTI (tiêu chuẩn chất lượng của Ủy ban Văn bằng Kỹ sư Pháp) và 38 chương trình được đánh giá bởi AUN. Theo kế hoạch, đến năm 2022, cả 6 trường thành viên của ĐHQG TPHCM sẽ được đánh giá ngoài bởi AUN-QA.

Phát biểu tại buổi lễ trao chứng nhận, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá cao kết quả trường ĐH Bách khoa TPHCM đạt được. Theo ông Phúc, Bộ GD-ĐT luôn thúc đẩy sự phát triển trong quản lý chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam thông qua áp dụng kiểm định chất lượng. Bộ GD-ĐT cũng có ban hành bộ tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng trường ĐH và thường xuyên cập nhật nhằm đáp ứng với các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế và khu vực, nhất là các tiêu chuẩn của AUN-QA.

Lê Phương