Trường ĐH Tôn Đức Thắng lý giải nguyên nhân từ chối kiểm định

(Dân trí) - Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cả nước cá biệt có 2 cơ sở giáo dục đại học không hợp tác để thực hiện thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng trong đó có trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đại diện trường này cho biết ưu tiên chọn kiểm định nước ngoài.

Trao đổi với Dân trí liên quan đến công bố của Cục Quản lý chất lượng, đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết trường từ chối kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn Bộ GD-ĐT. Trường chỉ lựa chọn đơn vị kiểm định. Trường này đang thực hiện kiểm định bởi HCERES- một tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu và kiểm định AUN-QA.

Cơ sở chính trường ĐH Tôn Đức Thắng ở quận 7, TP.HCM
Cơ sở chính trường ĐH Tôn Đức Thắng ở quận 7, TP.HCM

“Chính phủ đã có nhiều văn bản có nội dung khuyến khích các trường đại học kiểm định nước ngoài do đó trường chọn kiểm định nước ngoài theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đây cũng là quyền tự chủ của trường và Bộ GD-ĐT không thể ép các trường phải kiểm định theo kiểu của Bộ vì như thế là tước quyền tự chủ của ĐH và sai với chỉ đạo của nhà nước”, vị đại diện trường nói.

Một đại diện khác của trường này cũng cho rằng khoảng một tuần trước khi đoàn thẩm định do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự định đến trường thì Thanh tra Bộ GD-ĐT đã làm việc tại đây ba ngày liền. Ban giám hiệu trường ĐH Tôn Đức Thắng đã báo cáo với Bộ GD-ĐT rằng toàn bộ báo cáo kết quả thanh tra đã có sẵn chỗ Thanh tra Bộ GD-ĐT. Không thể nào trong vòng 1,2 tuần phải kiểm tra nhà trường hai lần.

Vị này đặt vấn đề rằng liệu Thanh tra Bộ và Trung tâm kiểm định có chồng chéo trách nhiệm không? “Bộ GD-ĐT kiểm tra toàn bộ các điều kiện tuyển sinh của trường rồi, giờ Trung tâm kiểm định cũng vào kiểm tra diện tích đất; sàn xây dựng; thư viện, trung tâm học liệu; quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu…vậy thì chồng chéo rồi, nên có gì khác hơn Thanh tra Bộ GD-ĐT chứ. Hơn nữa tất cả các đại học được các trung tâm kiểm định đều đạt hết thì có cần thiết kiểm định không?”, ông này nói.

Được biết, năm 2014, trường ĐH Tôn Đức Thắng được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao (trên 5 sao) của Tổ chức QS World University Ratings (Anh). Trong bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam do nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập công bố đầu tháng 9, trường cũng được xếp thứ hai.

Ngày 29/11, thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, đến ngày 30/6/2017 đã có 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017.

Hiện có 4 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Quốc gia TP.HCM đã tiến hành công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng chính (diện tích đất, sàn xây dựng; thư viện, trung tâm học liệu; quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu) đối với các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Kết quả có 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017, 24 cơ sở giáo dục đại học khác do đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15/4/2017 nên được miễn thẩm định.

Cá biệt có hai cơ sở giáo dục đại học là Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng không hợp tác để các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Trước đó, ngày 27/3/2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT về việc triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học năm 2017. Đến ngày 30/6/2017, công tác thẩm định và xác nhận đã hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Kết quả thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng các cơ sở giáo dục đại học sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan như người học, nhà trường và cơ quan quản lý tham khảo.

Lê Phương