Vào lớp 10, căng thẳng hơn thi đại học

Thí sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay tăng đột biến, thêm tới 24.000 em, chủ yếu do tăng dân số cơ học vào năm đẹp dê vàng (2003). Trong khi, Hà Nội cũng chỉ đảm bảo được 60% học sinh vào trường công lập, do đó, tỉ lệ chọi sẽ cao hơn hẳn mọi năm.

Điều này đang gây áp lực lớn cho các trường cũng như phụ huynh, học sinh.

Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội căng thẳng hơn thi vào ĐH.
Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội căng thẳng hơn thi vào ĐH.

Học thêm triền miên

Chị Nguyễn Thị Minh Lâm, có con gái học lớp 9 Trường THCS Khương Đình chia sẻ, năm nay tỉ lệ chọi cao nên bố mẹ đứng ngồi không yên vì lo con bị rớt. Chị Lâm cho biết, gia đình rất mong muốn con được vào học trường công hết bậc THPT. Bởi theo chị Lâm, gia đình không có điều kiện để cho con theo học trường ngoài công lập tốt vì học phí cao, còn gửi con vào các trung tâm giáo dục thường xuyên hay học nghề thì không mong muốn. Vì vậy, ngay từ đầu năm học lớp 9, ngoài chương trình học ở trường, chị đã cho con theo các lớp ôn luyện Toán, Văn, tuần 4 buổi và thuê cả gia sư giỏi về nhà kèm cặp.

Chị Lâm than thở: “Khi sinh con, ai cũng mong chọn năm đẹp để mong mọi sự được hanh thông, thuận lợi nhưng giờ mới thấm, từ khi con đi học mẫu giáo đến giờ, con luôn phải vất vả vì chen chúc, cạnh tranh”.

Chung nỗi lo, một phụ huynh có con học lớp 9 khác tại Trường THCS Dịch Vọng chia sẻ, từ khi con vào lớp 9, gia đình xác định, mẹ nghỉ việc chỉ để đưa đón con đi học ở trường và học thêm ở ngoài. Thời điểm này, trường chưa tổ chức học thêm, nhưng con các gia đình khác đã “chạy đua” từ đầu năm nên mình cũng sốt ruột cho con theo. “Cứ nghe tin, ở đâu có giáo viên dạy giỏi lại đăng ký cho con theo học. Hiện tại con đã học đến trung tâm thứ 3 rồi nhưng cũng không biết kiến thức thu được đến đâu”, phụ huynh này nói.

Trường lo, trường đủng đỉnh

Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trương THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, năm nay khối lớp 9 có 326 học sinh, tăng 100 em so với năm trước. Nguyên nhân học sinh tăng cao được xác định là do năm sinh (2003) được cho là năm dê vàng, năm đẹp nên tỉ lệ sinh tăng cao. “Tỉ lệ học sinh tăng cao, dẫn đến tỉ lệ chọi được xác định là cao hơn năm trước nên để cạnh tranh buộc trường phải nâng cao chất lượng học sinh”, bà Hiền nói.

Tuy nhiên, theo quy định, thời điểm này các trường vẫn chưa được phép tổ chức ôn tập cho học sinh mà phải đợi đến đầu tháng 5/2018. Do vậy, bà Hiền chia sẻ, trường phải có đội ngũ giáo viên dạy lớp 9 nhiều năm có kinh nghiệm. Ngay từ đầu năm, giáo viên được xác định học đến đâu phải ôn tập, chốt kiến thức cuốn chiếu đến đó cho học sinh. Đặc biệt, hàng tháng, giáo viên phải có bài kiểm tra, đánh giá kiến thức để biết học sinh nào giỏi, khá, yếu kém để bồi dưỡng, phụ đạo kịp thời tránh việc hổng kiến thức.

Cũng theo bà Hiền, căng thẳng nhưng phụ huynh không nên gây áp lực tâm lý lên học sinh. Phụ huynh nên phối hợp với giáo viên tư vấn, hướng con chọn trường vừa sức, dưới sức để không bị trượt nguyện vọng đáng tiếc. Bà ví dụ, như mọi năm, học sinh có năng lực khá được tư vấn nên chọn các trường trên địa bàn như THPT Trần Hưng Đạo, THPT Quang Trung... Học sinh giỏi mới nên chọn các trường có điểm cao như THPT Kim Liên, THPT Lê Quý Đôn...”. Dựa vào năng lực học tập của học sinh, những tư vấn này của giáo viên đa phần là chính xác. Năm ngoái, Trường THCS Khương Đình có 78% số học sinh đỗ nguyện vọng vào các trường THPT công lập trên địa bàn”, bà Hiền nói.

Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng Cầu Giấy, bà Lê Thị Thúy Nga cũng chia sẻ nỗi lo, áp lực của giáo viên, học sinh năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10. Theo bà Nga, khi tuyển đầu vào, trường công lập như THCS Dịch Vọng phải tuyển tất cả học sinh lớp 6 trên địa bàn nghĩa là không được chọn đầu vào. Tuy nhiên, để nâng chất lượng học sinh, đỗ tỉ lệ cao vào các trường THPT công lập, giáo viên cực kỳ vất vả. Học sinh khá bồi dưỡng để giỏi lên, em trung bình, yếu kém giáo viên lại dạy phụ đạo. Vì vậy, như năm trước, điểm thi học sinh lớp 9 của trường chỉ đứng sau Trường THCS Cầu Giấy, một trong những trường có chất lượng tại quận.

Trong khi những trường top trung bình, top trên đang chạy đua để nâng cao chất lượng học sinh, nâng cao tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường THPT có điểm đầu vào cao thì một số trường top dưới lại khá thoải mái.

Ông Trần Văn Đạo, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Cường, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, học sinh, giáo viên ở đây không phải căng thẳng lo tỉ lệ chọi vào 10 năm nay bởi Trường THPT Đại Cường tuyển riêng trường THCS này cũng không đủ chỉ tiêu. Như năm trước, điểm chuẩn trường THPT chỉ lấy 22 điểm, thấp nhất Hà Nội, do đó, học sinh không phải lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, Hoàn Kiếm cũng chung nỗi niềm: “học sinh ở trường, đa số hết cấp 2 là nghỉ học hoặc đi học nghề do đó, không có tình trạng căng thẳng học để thi vào lớp 10”. Bà Vân Hồng lý giải, đa số học sinh ở trường, con các gia đình nghèo, khó khăn buôn thúng bán mẹt, học sinh từ các trung tâm nên khi học xong THCS, có khoảng 50% học sinh có nguyện vọng đi học nghề.

Theo Sở GD&ĐT, năm 2018, thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tăng 24.000 em so với năm ngoái. Như vậy, Hà Nội dự báo tỉ lệ chọi thi vào lớp 10 năm nay sẽ tăng cao. Tuy nhiên, Hà Nội tối đa cũng chỉ đảm bảo được khoảng 60% em được học các trường công. Những học sinh bị trượt kỳ thi tuyển sẽ phải học trường ngoài công lập, trung cấp, học nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên. Học sinh sẽ thi hai môn Văn, Toán và xét kết quả học bạ trong 4 năm học cấp THCS.

Theo Nguyễn Hà

Tiền Phong