Xin đừng đổ áp lực lên đôi vai con trẻ!

(Dân trí) - Áp lực học hành luôn là nỗi ám ảnh và lo sợ của con trẻ khi bố mẹ đặt quá nhiều kì vọng vào tài năng, thành tích của con. Một cách vô tình hay cố ý, bất kì một áp lực nào đổ lên vai con cũng để lại những dấu ấn buồn bã trong kí ức, tâm hồn non nớt, dễ tổn thương của các con.

Thời điểm kết thúc năm học cũng là lúc mọi người rộn ràng khoe thành tích của trẻ. Khi con trẻ vừa cầm trên tay phần thưởng và vừa chạm vào tờ giấy khen mới tinh thì ngay lập tức các trang mạng xã hội sẽ lại tràn ngập hình ảnh lung linh của thành tích. Khoe con, tự hào về con là điều đáng trân trọng của tấm lòng bố mẹ. Nhưng…

Có biết đâu rằng đằng sau những thành tích ấy là lắm cái rùng mình nghĩ đến chữ “học” với thời khóa biểu dày đặc và tần suất ngày càng tăng cho kì thi cuối kì. Là nỗi lo lắng bất an khi chẳng may sơ suất trong một bài kiểm tra hay điểm tổng kết không như ý. Là thèm khát đến cháy lòng một tuổi thơ đúng nghĩa của sự hồn nhiên chứ chẳng phải chạy đua với thời gian để giành giật từng điểm số. Thậm chí là những hành động dại dột tìm đến cái chết vì cảm thấy thất vọng về bản thân và tuyệt vọng về ý nghĩa cuộc sống.

Hẳn là mỗi người đã từng nghe lời xin xỏ tội nghiệp của các cháu tiểu học “Cho con chơi tí…” khi bị bố mẹ liên tục thúc ép ngồi vào bàn học. Hẳn là đã tình cờ bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, sung sướng của con khi ta đột nhiên thay đổi ý kiến, dễ dàng gật đầu cho lời xin phép đi dã ngoại, chơi thể thao nào đó. Và ta cũng đã từng ngậm ngùi, áy náy, băn khoăn khi tình cờ lắng đọc lời tâm sự của con với quyển nhật kí: “Tôi đã không hề có tuổi thơ…”, “Tuổi thơ tôi chìm trong việc học…”.

Đâu chỉ có thế, chúng ta đã từng lắng nghe lời tâm sự trong tiếng khóc của các mẹ khi con bất ngờ rơi vào trầm cảm, rối loạn tâm thần. Và ta vẫn chưa quên được những cái chết đầy ám ảnh với người trong cuộc của những đứa trẻ vốn được tiếng “ngoan”, “giỏi”, “niềm tự hào của gia đình”. Đó như một hồi chuông báo động mãnh liệt nhất về áp lực học hành, thi cử, thành tích.

Lâu nay chuyện chạy trường chạy lớp vẫn luôn là căn bệnh khó chữa của một số phụ huynh. Bằng mọi hình thức và con đường, họ tìm mọi cách để con có một chiếc “vé” vào các ngôi trường chất lượng cao. Bởi niềm tin về một nền tảng vững chắc cho tương lai con trẻ ư? Có thể đúng. Nhưng đâu đó còn là để thỏa mãn căn bệnh “sĩ” của chính phụ huynh. Tuy nhiên, đã là “chạy” thì chắc chắn là năng lực của con trẻ chỉ ở một mức độ khiêm tốn. Và dù cho mọi sự nỗ lực của bố mẹ có thành công đi chăng nữa thì niềm hạnh phúc có đến trọn vẹn với các con không? Hay sẽ là những ngày tháng mệt mỏi học “đuổi” theo bạn bè? Hay sẽ là cảm giác tự ti, thu mình lại vì không hề nổi bật trong một môi trường toàn học sinh giỏi thật sự? Hay sẽ trượt dài trong những thất bại liên tiếp và sẽ dần bị đào thải? Trường chuyên, lớp chọn chỉ thật sự phù hợp với những người có sức học tốt, thông minh, sáng tạo và phấn đấu không ngừng nghỉ. Mọi sự gượng ép đều là áp lực đổ lên vai con trẻ.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một sở trường và sở đoản riêng. Một đứa trẻ giỏi văn hóa chưa chắc đã được giàu kĩ năng sống. Một đứa trẻ không thật sự xuất sắc nhưng bộc lộ năng khiếu hội họa, âm nhạc, thể thao đáng được bố mẹ trân trọng. Một đứa trẻ học không thật nổi bật nhưng lại biết quan tâm, yêu thương và sẻ chia đã đủ làm chúng ta hài lòng…

Sự thành công của mỗi con trẻ là do chính phương pháp giáo dục của người bố, người mẹ thông minh. Yêu thương con đúng cách đồng nghĩa với việc không đổ áp lực thành tích lên đôi vai con!

Thanh Ny