Gia đình nhà văn Ngô Tất Tố nhấn mạnh tầm quan trọng văn bản gốc

(Dân trí) - Theo ông Cao Đắc Điểm - con rể nhà văn Ngô Tất Tố, trải qua các thời kì, ngành in truyền thống đã xuất bản, tái bản hơn 400 lần các tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố. Vấn đề được đặt ra, cần sử dụng văn bản gốc đầy đủ nhất làm bản thảo khi tái bản.

Chiều ngày 24/4, trong khuôn khổ Ngày hội sách Việt Nam lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội đã diễn ra buổi Giao lưu, đối thoại về “Sự nghiệp văn chương, báo chí, văn hóa của Ngô Tất Tố và giải trình về cách học kinh dịch”.

Ông Cao Đắc Điểm - chồng của bà Ngô Thị Thanh Lịch - con gái nhà văn Ngô Tất Tố là diễn giả chủ trì buổi giao lưu, đối thoại. Đông đảo công chúng, độc giả là các bậc cao niên, các bạn sinh viên,… đã tới tham dự buổi giao lưu.

Gia đình nhà văn Ngô Tất Tố nhấn mạnh tầm quan trọng văn bản gốc - 1

Ông Cao Đắc Điểm vốn là Tiến sĩ - cán bộ khoa học của Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Nhiều năm qua, vợ chồng ông đã triển khai sưu tầm, tập hợp di sản văn chương trên hầu hết các lĩnh vực của nhà văn Ngô Tất Tố, hiện đang quản lý, lưu giữ toàn diện, có hệ thống toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

Theo ông Cao Đắc Điểm, trải qua các thời kì, ngành xuất bản in truyền thống đã xuất bản, tái bản hơn 400 lần các tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố. Còn chỉ tính riêng số sách điện tử, số lần chuyển tải trên internet trong 20 năm vừa qua cũng đến vài trăm lần.

Vấn đề được gia đình đặt ra, đâu là văn bản gốc đầy đủ nhất, lần đầu tiên tác giả công bố với công chúng để sử dụng làm bản thảo khi tái bản.

Những thập niên đầu thế kỉ XX, nhà văn Ngô Tất Tố cũng như nhiều tác giả cùng thời đã tận dụng kênh in báo và xuất bản sách để giới thiệu tác phẩm của mình. In xong, tác phẩm được lưu trữ tại Nha Lưu chiểu, tại Thư viện Đông Dương trước đây.

Độc giả đầu tiên của các tác phẩm này không phải là công chúng mà chính là bộ máy kiểm duyệt hồi Pháp thuộc. Tất cả những gì họ cho là “không vừa lòng chính quyền cai trị”, “thất lễ hoặc xúc phạm chính quyền phong kiến” đều bị cắt bỏ. Nhưng họ lại sơ hở, lúc thì cắt bỏ trên bản cho đăng báo nhưng cũng nội dung đó, lại để nguyên khi cho in thành sách và ngược lại.

Suốt mấy chục năm qua, để tra cứu, so sánh văn bản, thường chỉ dò tìm bằng mắt thường, tốn công sức và dễ nhầm lẫn. Sang đầu thế kỉ XXI, nhờ sợ phát triển của công nghệ thông tin, đã giúp giới nghiên cứu thẩm định chính xác nguyên văn bản gốc, lần đầu ra mắt bạn đọc các tác phẩm văn học của nhà văn Ngô Tất Tố.

Đến nay, tất cả các tư liệu nguồn, lần đầu tiên đăng báo và in thành sách các tác phẩm “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Lều chõng” đều được số hóa, bảo quản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Gần đây, sau khi có kết quả thẩm định nguyên bản gốc, nhà sách Minh Thắng cộng tác với gia đình nhà văn Ngô Tất Tố đã liên tiếp tái bản các tác phẩm tiêu biểu của tác giả theo đúng quy định của Luật xuất bản.

Ông Cao Đắc Điểm thông tin thêm, thời gian tới, sách Kinh Dịch của nhà văn Ngô Tất Tố cũng sẽ được tái bản lần thứ 25.

Nhà văn Ngô Tất Tố từng khẳng định: “Kinh Dịch là bộ sách lạ trong văn học giới của nhân loại với thể tài xa lạ, không giống một cuốn sách nào”.

Khẳng định “để biết Kinh Dịch một cách uyên bác”, sau khi chọn lựa trong số vài chục bộ biết được, nhà văn Ngô Tất Tố đã quyết định dựa vào sách “Chu Dịch Đại toàn” do Minh Thành Tổ, Hoàng đế thứ ba của nhà Minh, giao cho Hồ Quảng và Kim Âu Tư soạn, để dịch, chú giải Kinh Dịch và đưa Nhà Mai Lĩnh in thành sách lần đầu năm 1943, bởi lẽ trong sách này, “Dịch truyện” của Trình Di và “Chu dịch bản nghĩa” của Chu Hy là hai cuốn sách được sử dụng làm phần chính.

Khi dịch và chú giải Kinh Dịch từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, công sức, tài năng của nhà văn thể hiện rõ rệt trên cả hai phương diện: Vừa trình bày rõ ràng cấu trúc bằng hình vẽ, vừa sáng tạo, chuyển đổi nội dung của Kinh Dịch sang dạng lời Kinh, tạo thuận lợi cho đông đảo bạn đọc dùng chữ Quốc ngữ hoặc biết ít về chữ Hán dễ dàng tìm hiểu.

Kinh Dịch trở thành kho tàng trải nghiệm trường đời, khuyên bảo con người biết cách nhận diện, xem xét, phân tích khách thể, bồi đắp trải nghiệm và bản lĩnh đối nhân xử thế.

Phương Nhung