Giấc mơ trở thành nhà văn của… một anh thợ cơ khí

(Dân trí)- Đạo diễn của bộ phim “Cha cõng con” không ngại thừa nhận, anh từng trải qua nhiều công việc khác nhau, từng là công nhân nhà máy xi măng, là thợ cơ khí, phụ xe, thậm chí từng đi làm vàng, đá đỏ… Và luôn ôm giấc mơ trở thành nhà văn!

Năm 2013, bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng gây xôn xao với kịch bản xúc động về tình cha con giản dị. Kịch bản đã được một biên kịch Hollywood đọc và chỉnh sửa. Chính biên kịch này khi đọc xong cũng đã rơi nước mắt trước câu chuyện cha con cảm động của “Cha cõng con”. Lương Đình Dũng chia sẻ, anh viết kịch bản này, và quyết tâm thực hiện bộ phim này bởi những “ám ảnh” khi chứng kiến quá nhiều câu chuyện trái ngang về tình cha con, khi tận mắt chứng khiến cảnh con trai vác đòn gánh đuổi đánh bố mình… Đạo diễn thấy cần phải có một bộ phim, một câu chuyện xúc động để kể về tình cha con giữa cuộc sống hiện đại xô bồ, thực dụng.

Phim dự định sẽ quay tại Hà Giang vào những tháng cuối năm 2013. Tuy nhiên, đúng thời gian dự định quay phim thì bị mưa bão, toàn bộ bối cảnh bị ngập trong nước, kế hoạch bấm máy phải hoãn sang năm 2014. Trong quãng thời gian đợi phim bấm máy, đạo diễn Lương Đình Dũng xuất bản cuốn tiểu thuyết đã viết từ năm 1993- “Những cô gái vô chủ”.
 
Đạo diễn Lương Đình Dũng
Đạo diễn Lương Đình Dũng

Trong câu chuyện của mình, đạo diễn Lương Đình Dũng không giấu diếm những năm tháng bươn chải, lập nghiệp của anh khi 19, 20 tuổi. Lương Đình Dũng kể, anh đã “kinh qua” nhiều công việc khác nhau từ công nhân, từ làm thợ rèn, thợ cơ khí, phụ xe, công nhân bốc xếp… Thậm chí, có quãng thời gian anh cũng đi theo người ta đào vàng, đào đá đỏ. Trải qua nhiều chặng đường mưu sinh vất vả, những con đường lập nghiệp “không trải hoa hồng”, Lương Đình Dũng lại cho rằng, đó là hạnh phúc. “Tôi đã đi nhiều nơi, làm nhiều việc để kiếm sống. Có lần, tôi lên truyền hình trả lời phỏng vấn. Bạn bè cũ xem được, liên lạc lại, rồi tìm đến tận nơi thăm hỏi, gặp gỡ. Trước đó, nhiều người còn nghĩ, có thể tôi phiêu dạt tận chân trời nào rồi, … Với tôi, được sống, được đi, được trải nghiệm là một hạnh phúc”- Lương Đình Dũng chia sẻ.

Giấc mơ trở thành một nhà văn của đạo diễn Lương Đình Dũng đã bắt đầu từ những ngày anh là công nhân ở nhà máy Xi măng Tuyên Quang. Ban ngày làm việc trong gầm lò cực nhọc, tối về, Lương Đình Dũng lại viết. “Những cô gái vô chủ” hoài thai và hình thành trong những ngày Lương Đình Dũng 20 tuổi và làm thuê cật lực như thế.

Lương Đình Dũng hoàn thành cuốn tiểu thuyết về “Những cô gái vô chủ” năm 1995 nhưng đến năm 2013 (gần 20 năm sau), một nhà xuất bản mới đứng ra ký hợp đồng xuất bản và phát hành. Cuốn tiểu thuyết về số phận 5 cô gái “vô chủ” với sóng gió, bươn chải, nhiều cay đắng được viết bằng văn chương giản dị. Cấu trúc tác phẩm cũng giản dị, không có sự lắt léo, không có sự “bày binh bố trận” của một cây viết chuyên nghiệp. Chỉ có mỗi con chữ là mộc mạc, chân thành.
 
Giấc mơ trở thành nhà văn của… một anh thợ cơ khí

Lương Đình Dũng chia sẻ, anh hoàn toàn có thể ngồi lại sửa chữa tác phẩm của mình sau gần 20 năm để “Những cô gái vô chủ” có thể hoàn hảo hơn, nhưng anh đã quyết định không sửa, để vẫn có thể nhìn thấy chính mình 20 năm trước vẹn nguyên trong mỗi con chữ. Sự hồn nhiên, tươi trẻ, sự mãnh liệt… vẫn còn ở đấy. Giấc mơ trở thành nhà văn ngày xưa cũng vẫn còn ở đấy.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, năm 2014 - sau khi hoàn thành bộ phim điện ảnh “Cha cõng con”, anh sẽ xuất bản cuốn truyện hài “Phỏng vấn những thứ im lặng” và một số tác phẩm đã viết từ thời trai trẻ. Anh vẫn còn giữ rất nhiều tác phẩm đã viết từ những ngày cật lực mưu sinh, và âm thầm viết lách với giấc mơ văn chương không mệt mỏi. Đối với Lương Đình Dũng, văn học cũng là một yếu tố bổ trợ cần thiết cho công việc của một người đạo diễn như anh.

H.H