Ngăn chặn thông tin độc hại từ gốc, không đợi tràn lan mới dọn "rác"

Minh Nhân

(Dân trí) - Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hướng đến chủ động ngăn chặn từ gốc, không đợi thông tin độc hại tràn lan trên mạng xã hội rồi mới "dọn rác".

Trong phần thảo luận tại Hội thảo Văn hóa 2022 sáng 17/12, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trả lời câu hỏi về việc chống những nội dung, văn hóa độc hại trên mạng xã hội và các nền tảng ngoại.

Theo ông Lâm, việc quản lý, xử lý nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới không còn quá khó khăn khi Việt Nam đã thay đổi nhận thức và một số thể chế, chính sách đã hoàn thiện. Việt Nam không thể cấm tuyệt đối các nền tảng mạng xã hội, gặp khó khăn kéo toàn xã hội cùng thực hiện, cùng nhận biết đâu là "rác", đâu là thông tin độc hại để ứng xử phù hợp. 

Ông Lâm cho biết, vừa qua, các cơ quan đã có những kết quả nhất định trong việc ngăn chặn thông tin xấu. Thời gian tới, Bộ sẽ hướng đến chủ động ngăn chặn từ gốc, chứ không đợi thông tin độc hại tràn lan trên mạng xã hội rồi mới "dọn rác".

Ngăn chặn thông tin độc hại từ gốc, không đợi tràn lan mới dọn rác - 1

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: Phạm Thắng).

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho hay, khó khăn nhất hiện nay là các cơ quan chưa nắm được thuật toán chia sẻ thông tin của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

"Chúng tôi có cơ sở để nghĩ rằng, một số nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới khi vào Việt Nam điều chỉnh thuật toán theo hướng gợi ý những thông tin xấu, nhảm nhí đến người xem. Điều này khiến người xem mất thời gian, 'đầu độc' thế hệ trẻ 'phơi nhiễm' với tin giả", ông Lâm thông tin.

Theo Thứ trưởng, các cơ quan cần thêm thời gian để nhận diện, xác định vấn đề này, từ đó có biện pháp chống, hướng đến thay đổi thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để gợi ý những thông tin tốt trên không gian mạng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sắp tới sẽ không có tình trạng bảo hộ ngược, những doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật mà lại làm khó các doanh nghiệp trong nước. 

"Từ 1/1/2023, Nghị định 71 sửa đổi Nghị định về cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet có hiệu lực, chúng ta hoàn toàn có quyền yêu cầu tất cả các nền tảng cung cấp nội dung phim ảnh nước ngoài xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định như doanh nghiệp trong nước, nếu không thì sẽ bị chặn", ông Lâm nói.

Ngăn chặn thông tin độc hại từ gốc, không đợi tràn lan mới dọn rác - 2

Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" được tổ chức sáng 17/12 (Ảnh: Hồ Anh Tiến).

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, thời gian tới, Bộ sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài vào Việt Nam đều tuân thủ pháp luật. Đồng thời mang nguồn lực với thế mạnh của chính họ đầu tư sản xuất những nội dung trong nước, sau đó phân phối lên những nền tảng của họ, không chỉ trong nước mà cả thế giới cùng xem. 

Trong năm tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ yêu cầu tất cả các nhà sản xuất ti vi thông minh và điện thoại thông minh bán ra ở Việt Nam phải cài đặt những ứng dụng hợp pháp, có giấy phép. 

"Các nhà sản xuất không được nghiễm nhiên cài đặt bất kỳ ứng dụng nào (như YouTube, Netflix,...) nếu chưa hỏi ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước. Hoặc nếu ứng dụng đã được cài sẵn, thì sẽ bị hủy bỏ, ngắt kết nối. Chúng ta phải hướng người dân xem những nội dung tử tế do những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật cung cấp", ông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.