Nghệ sĩ nói gì trước ý tưởng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT dựa trên hồ sơ trực tuyến?

(Dân trí) - Nhiều nghệ sĩ đồng tình nhưng cũng có nghệ sĩ tỏ ra băn khoăn trước ý tưởng xây dựng hồ sơ dữ liệu trực tuyến về thành tích lẫn quá trình hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT dựa trên hồ sơ trực tuyến

Nhiều năm qua, cứ mỗi lần đến dịp xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lại nảy sinh khá nhiều câu chuyện ồn ào. Không ít người cho rằng, cơ chế để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và chưa thực sự đánh giá hết sự cống hiến của nghệ sĩ.

Bởi lẽ đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) – Bộ VHTT&DL đang bắt tay xây dựng dự thảo Nghị định mới về hoạt động biểu diễn. Trong đó, việc Cục này đề xuất lập hồ sơ trực tuyến để xét tặng danh hiệu được giới nghệ sĩ khá quan tâm.

Theo Biên đạo múa Tuyết Minh - thành viên Tổ biên tập dự thảo Nghị định cho biết, với tư cách là một nghệ sĩ kiêm thành viên Tổ biên tập dự thảo Nghị định, biên đạo múa Tuyết Minh thấy thấm thía việc cần thiết cần phải có một “Cơ sở dữ liệu quản lý Hồ sơ hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ trên toàn quốc”.

NSND Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục NTBD cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến này sẽ giúp cho các nghệ sĩ ít gặp khó khăn hơn khi làm các thủ tục xét danh hiệu. Ảnh minh hoạ.
NSND Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục NTBD cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến này sẽ giúp cho các nghệ sĩ ít gặp khó khăn hơn khi làm các thủ tục xét danh hiệu. Ảnh minh hoạ.

“Trước hết, phải khẳng định Hồ sơ này là một hoạt động quản lý nhà nước, là nơi mỗi người nghệ sĩ có thể đặt niềm tin vào sự minh bạch, thể hiện thực chất quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và những công hiến của người nghệ sĩ. Để lập cơ sở dữ liệu này, chúng tôi đang nghiên cứu và lấy ý kiến tìm ra phương án tối ưu nhất nhưng chắc chắn việc cập nhật sẽ được phân cấp tới các Sở VHTT&DL, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố.

Chúng tôi sẽ không bỏ qua cơ chế phối hợp với các hội nghề nghiệp chuyên ngành để cùng kiểm tra, giám sát độ xác thực của các bằng khen, giải thưởng vì ngoài “thành tích cứng” của mỗi người nghệ sĩ hiển thị trên dữ liệu số này còn phải tính đến một yếu tố hết sức quan trọng của mỗi người nghệ sĩ đó là mặt hoạt động xã hội, ảnh hưởng nghệ thuật của họ tới công chúng. Đây mới là thước đo người nghệ sĩ đó có phải là nghệ sĩ của nhân dân hay không, tác phẩm của họ có thực sự “sống trong lòng dân” hay không?”, bà Tuyết Minh nói.

Theo nữ biên đạo này, những thay đổi này nhằm hướng đến đích cao nhất là cơ sở để xét các danh hiệu, giải thưởng và đưa các danh hiệu, giải thưởng trở về đúng với “giá trị”, đúng với những chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm động viên giới văn nghệ sĩ trong lao động, sáng tạo nghệ thuật.

Tuy nhiên, để tiến đến thực hiện hoá điều đó còn phải trình xin ý kiến các cấp, thậm chí còn phải xét đến nhiều Nghị định, Luật có liên quan về công tác Thi đua, Khen thưởng, nhất là đây mới là Cơ sở dữ liệu của nghệ sĩ biểu diễn, còn nghệ sĩ của ngành Điện ảnh, Mỹ thuật… không phải đối tượng áp dụng của Nghị định này.

“Nếu chúng ta không quyết tâm thay đổi bằng trí tuệ, bản lĩnh của người quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn với trái tim chân thành của người nghệ sĩ thì không biết bao giờ con đường trước mắt chúng ta mới hình thành”, bà Tuyết Minh bộc bạch thêm.

NSND Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục NTBD cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến này sẽ giúp cho các nghệ sĩ ít gặp khó khăn hơn khi làm các thủ tục xét danh hiệu. Chẳng hạn, trước đây, các nghệ sĩ khi xét duyệt danh hiệu phải làm hồ sơ, xin xác nhận rất vất vả thì với công nghệ mới này, cục NTBD sẽ thay các nghệ sĩ làm điều đó. Từ dữ liệu được cung cấp, công chúng và cơ quan quản lý sẽ dễ dàng có cái nhìn khái quát về mỗi cá nhân nghệ sĩ và có cơ sở xét duyệt danh hiệu cho họ.

NSND Quang Vinh khẳng định, từ cơ sở dữ liệu này, trong mỗi kỳ xét tặng, thành tích của nghệ sĩ sẽ thể hiện rõ trong từng giai đoạn, thời gian. Mức độ đánh giá về đạt hay không đạt danh hiệu chỉ còn thuộc về các cống hiến trong hoạt động xã hội . Như vậy, công tác xét tặng sẽ công khai, minh bạch hơn so với cách làm hồ sơ mang tính truyền thống.

Sẽ tránh được thiệt thòi cho nghệ sĩ?

Nhiều nghệ sĩ cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến sẽ giúp các nghệ sĩ quản lý tốt hơn về hồ sơ của mình, đó là một việc rất cần thiết trong thời đại công nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc làm này sẽ phải mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi phải hết sức thận trọng bởi với hàng nghìn nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực như hiện nay rất dễ dẫn đến thiếu sót, nhầm lẫn.

NSND Trần Nhượng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu cho rằng, ông rất ủng hộ Cục NTBD trong ý tưởng xây dựng hồ sơ dữ liệu về quá trình hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ trong các lĩnh vực. Việc này vừa đảm bảo được sự tiện ích, vừa phù hợp với xu thế mới.

Nó không chỉ giúp hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ sĩ, hội đồng xét tặng giải thưởng... có những cái nhìn khách quan nhất mà ngay cả những người trong nghề lẫn người hâm mộ cũng có thể nhìn thấy thành tích, sự cống hiến lẫn sức ảnh hưởng của từng nghệ sĩ đối với lĩnh vực họ hoạt động.

“Nhiều năm nay, mỗi lần xét tặng danh hiệu – giải thưởng đều có những thắc mắc, khiếu nại... Những người đủ điều kiện để được phong tặng danh hiệu nhưng vì bị mất giấy tờ hoặc vì sự sĩ diện của người nghệ sĩ mà không muốn làm đơn để “xin” thì nay họ sẽ được xem xét công bằng, công tâm.

Và việc xem xét này sẽ đảm bảo được được cả chất lượng và đáp ứng các tiêu chí mà Nhà nước quy định. Việc làm này cũng sẽ giúp một số nghệ sĩ không bị thiệt thòi khi xét tặng danh hiệu và cũng không quá ưu ái đối với những người chưa đủ độ để xét tặng”, NSND Trần Nhượng nhấn mạnh.

NSND Minh Châu cũng cho rằng, đây là động tác cần thiết để công khai, minh bạch... toàn bộ quá trình hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ. Từ đó, giới chuyên môn lẫn công chúng có cái nhìn rõ ràng về sự xứng đáng của danh hiệu và giải thưởng khi được trao cho từng người.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến sẽ giúp các nghệ sĩ lưu giữ tư liệu cá nhân của mình một cách đầy đủ và tiện ích nhất. Với những nghệ sĩ thuộc dạng “truy tặng” vì đã quá cố thì con cháu cũng sẽ không phải vất vả chạy đôn chạy đáo khắp nơi để xin xác nhận giấy tờ. Và những nghệ sĩ lão thành vì tuổi cao sức yếu, trí nhớ giảm sút... cũng sẽ không bị thiệt thòi vì không thể nhớ hết những thành tích và quá trình hoạt động nghệ thuật của mình.

Một nghệ sĩ gạo cội thuộc lĩnh vực âm nhạc cũng đồng tình với ý tưởng này. Tuy nhiên, bà lo lắng rằng, với hơn 10.000 nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực nghệ thuật hiện nay, việc cập nhật được dữ liệu của từng người chỉ giao cho một nhóm làm e là không xuể. Thêm vào đó, việc xác định mức độ ảnh hưởng, tức "sức sống" của nghệ sĩ và những tác phẩm của họ trong lòng nhân dân, khán giả... để đưa vào cơ sở dữ liệu thì sẽ làm như thế nào, làm ra sao, đo đếm kiểu gì?

"Có những nghệ sĩ cả một đời hoạt động nghệ thuật, sức ảnh hưởng của họ rất lớn, tác phẩm họ biểu diễn có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân... nhưng họ không có huy chương thì xác định điều đó như thế nào? Dựa vào yếu tố gì để khẳng định là người này người kia đang rất có sức ảnh hưởng đối với công chúng. Nếu chỉ dựa vào sự nổi tiếng trên mạng xã hội hoặc trên truyền thông thì tôi e là sẽ vô cùng mông lung, ảo giác...", nghệ sĩ này nói.

Bên cạnh đó, ai sẽ là người đứng ra kiểm chứng thông tin trước khi công khai trên hệ thống dữ liệu để tránh sự nhầm lẫn và chồng chéo với các hội nghề nghiệp. Ngoài ra, với các đối tượng đặc thù, không có huy chương thì cũng cần phải có tính toán như thế nào để họ không cảm thấy bị thiệt thòi khi dựa vào đó mà xét tặng danh hiệu, giải thưởng.

Hà Tùng Long