Đà Nẵng:

Nhà hát không thể làm theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”

(Dân trí) - “Muốn tổ chức các chương trình biểu diễn bán vé phải như các đơn vị tư nhân chứ Nhà hát không thể lấy tiền của Nhà nước ra làm theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm - Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng nói về việc vì sao Đoàn ca múa nhạc không thể tổ chức biểu diễn bán vé như các đơn vị, công ty tổ chức sự kiện để đem lại nguồn thu giảm chi ngân sách của thành phố cho các hoạt động của Nhà hát và đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng.

 

Các nghệ sỹ đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng biểu diễn tại Nhà hát Trưng Vương
Các nghệ sỹ đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng biểu diễn tại Nhà hát Trưng Vương

 

“Không thể lấy tiền Nhà nước ra làm kiểu “lời ăn lỗ chịu””

Trao đổi với PV Dân trí ngày 18/12, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm - Giám đốc Nhà hát Trưng Vương nói: “Nhiệm vụ chính của đoàn Ca múa nhạc thành phố là biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác đối nội, đối ngoại của thành phố. Tiếp đến có thể tổ chức các hoạt động dịch vụ như hợp đồng biểu diễn ở các chương trình, sự kiện ngoài thành phố; tổ chức biểu diễn bán vé nếu có thể. So sánh Nhà hát với các đơn vị tư nhân tổ chức sự kiện là khập khiểng. Muốn tổ chức các chương trình biểu diễn bán vé phải như các đơn vị tư nhân chứ Nhà hát không thể lấy tiền của Nhà nước ra làm theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”. Một chương trình biểu diễn nghệ thuật tổ chức bán vé phải tuân theo quy luật của thị trường, có lãi, có lỗ. Tư nhân họ bỏ tiền ra làm thì họ chấp nhận “lời ăn lỗ chịu”; còn Nhà hát tổ chức nếu lỗ thì lấy đâu mà bù vào. Thực tế, Nhà hát cũng đã nhiều lần mạnh dạn tổ chức biểu diễn bán vé nhưng hầu như là lỗ, may ra thì huề vốn”.

 

Nhiệm vụ chính của đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng là biểu diễn phục vụ chính trị, công tác đối nội, đối ngoại của thành phố
Nhiệm vụ chính của đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng là biểu diễn phục vụ chính trị, công tác đối nội, đối ngoại của thành phố

 

Theo GĐ Nhà hát, muốn tổ chức một đêm biểu diễn để người ta bỏ ra mua vé, khán giả kín rạp không phải dễ. Tình hình này là chung cả nước. Ngay các đơn vị tư nhân cũng vậy, nhiều đêm nhạc có ngôi sao cỡ như Ánh Tuyết mà bán vé ra cũng chỉ có 20 - 30 vé; hay như đêm nhạc có nhiều ngôi sao ca nhạc hải ngoại như Elvis Phương và nhiều tên tuổi cũng có tiếng do một đơn vị tổ chức sự kiện mới đây thuê sân khấu của Nhà hát để biểu diễn thì khán giả cũng mới lấp đầy nửa rạp. Cũng không thể đổ hết vì giá vé bán ra cao quá, 500 nghìn - 1 triệu đồng nhiều người có thể bỏ ra chứ, một phần do thị hiếu âm nhạc của người ta nửa.

“Còn mời những ngôi sao có nhiều “fan” như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm thì 100 triệu mỗi đêm diễn cũng chưa đủ trả cat-sê cho ngôi sao. Ngôi sao họ có quyền có “giá” của họ theo quy luật thị trường, mình mời được thì mời, không mời được thì thôi chứ cũng không trách họ “làm giá” được. Tình hình như vậy, nếu tư nhân họ làm thì lỗ họ chịu, họ còn làm cái này cái kia, bù qua đắp lại, chứ Nhà hát còn hoạt động bằng ngân sách của thành phố thì lấy gì bù lỗ, chúng tôi không dám lấy tiền của Nhà nước ra làm theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”. Chúng tôi chỉ có thể mời các đơn vị tổ chức sự kiện về tổ chức các đêm diễn, tận dụng chức năng là điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát để có nguồn thu. Nhà hát tự tổ chức hay các đơn vị tư nhân tổ chức các đêm diễn thì cũng sáng đèn Nhà hát chứ nói Nhà hát được đầu tư hoành tráng mà đìu hiu thì thực tế đâu phải” - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm nói.

“Xã hội hóa Nhà hát mà đoàn Ca múa nhạc mất đi thì xót xa”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại cuộc họp Thành ủy ngày 4/12/2015 về việc đẩy mạnh xã hội hóa một số đơn vị sự nghiệp công lập, Sở VH - TT - DL Đà Nẵng đã có công văn đến các đơn vị trực thuộc, trong đó có Nhà hát Trưng Vương, yêu cầu đánh giá toàn diện các hoạt động của đơn vị để có định hướng.

Theo lãnh đạo Sở VH - TT - DL Đà Nẵng thì định hướng là đơn vị nào không có thu thì xác định là bao cấp. đơn vị nào trùng lặp chức năng thì ghép lại trả về cho đúng cái tên gọi và chức năng của nó cho đúng với hệ thống định hướng của Trung ương. Những đơn vị không làm ra tiền nhưng chức năng có thì phải bao cấp để duy trì hoạt động; đơn vị nào đã ra khỏi bao cấp thì phải theo chủ trương, định hướng của Trung ương.

Nói về định hướng xã hội hóa trong trường hợp Nhà hát Trưng Vương, ông Giám đốc Nhà hát nói sẵn sàng xã hội hóa nhưng đề xuất thành phố vẫn duy trì và hỗ trợ hoạt động của đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng. Có ý kiến cho rằng đoàn Ca múa nhạc không làm được gì mà ngân sách thành phố bao cấp một khoản quá lớn thì “tội quá”. Một năm nguồn chi trả lương cho khoảng 70 cán bộ, diễn viên (trong đó có khoảng 40 diễn viên của đoàn Ca múa nhạc) là từ 3,5 - 3,7 tỷ đồng. Họ nhận lương để tập luyện các tiết mục mới, dàn dựng các chương trình biểu diễn phục vụ, mà các chương trình công diễn thì không có tiền, vì họ đã nhận lương rồi, có thêm một chút ít, thường mỗi buổi diễn 100 nghìn đồng bồi dưỡng cho diễn viên nữa thôi.

Nhạc sĩ Đình Thậm nói: “Tuổi nghề của các nghệ sĩ biểu diễn thực sự rất ngắn, nhưng có nhiều anh chị em diễn viễn, những người có học hành tử tế, có nghề đã về với thành phố, với Nhà hát từ những ngày đầu tiên thành lập, có đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình mà “bén rễ sinh cây” với đất này. Chúng tôi mong muốn giữ lại đoàn Ca múa nhạc; nếu xã hội hóa mà mất cái đoàn này đi thì xót xa”.

 

Theo báo cáo tài chính của Nhà hát Trưng Vương năm 2015, ngân sách thành phố cấp cho Nhà hát là hơn 11 tỷ đồng; trong đó, chi trả lương cho cán bộ, diễn viên, nhân viên... là hơn 3,5 tỷ đồng, kinh phí bổ sung các nhiệm vụ đột xuất là hơn 3,7 tỷ đồng (trong này có 3 tỷ chi cho tổ chức chương trình nghệ thuật pháo hoa 2015); còn lại là các kinh phí duy chế độ đãi ngộ diễn viên, bảo hiểm tài sản, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn...

Về hoạt động dịch vụ của Nhà hát, năm 2015, Nhà hát ước thu 5 tỷ đồng (vượt kế hoạch thành phố giao: 3,6 tỷ đồng); trong đó, thu biểu diễn của đoàn Ca múa nhạc hơn 2,4 tỷ đồng, thu tổ chức biểu diễn, sự kiện hơn 2,3 tỷ đồng,thu cho thuê mặt bằng tầng hầm là 240 triệu đồng. Phần chi từ nguồn thu các hoạt động dịch vụ là hơn 4,6 tỷ đồng sau khi nộp thuế 350 triệu đồng

 

Khánh Hiền