NSND Lê Tiến Thọ, Vân Quyền đau xót trong lễ tang NSND Trần Bảng

Hương Hồ Phương Bảo

(Dân trí) - NSND Lê Tiến Thọ, NSND Minh Thu, Vân Quyền… xúc động, rơi nước mắt trong lễ tang của NSND Trần Bảng - người thầy của nhiều nghệ sĩ chèo.

Chiều 24/7, lễ tang NSND Trần Bảng được diễn ra trang trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia (Trần Thánh Tông, Hà Nội), bắt đầu từ lúc 13h30. Người thân, bạn bè, học trò có mặt đông đủ để tiễn đưa "ông trùm chèo" nổi tiếng của Việt Nam - NSND Trần Bảng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Một số nghệ sĩ như: NSND Lê Tiến Thọ, NSND Minh Thu, NSND Vân Quyền, biên kịch Hồng Ngát đã có những chia sẻ xúc động về người thầy đáng kính của mình.

NSND Lê Tiến Thọ: NSND Trần Bảng là người ký trong bằng tốt nghiệp của tôi

Chúng tôi thuộc lớp sinh viên của niên khóa 1964, khi đó đang có chiến tranh phá hoại nên trường Sân khấu điện ảnh không đào tạo mà đưa về các nhà hát nên bằng cấp là do Vụ Nghệ thuật Sân khấu (Bộ Văn hóa - Thông tin khi đó) cấp. NSND Trần Bảng khi đó là Vụ trưởng nên ông là người đã ký tên lên bằng tốt nghiệp của lớp tôi.

NSND Lê Tiến Thọ, Vân Quyền đau xót trong lễ tang NSND Trần Bảng - 1
NSND Tiến Thọ xúc động trong tang lễ của NSND Trần Bảng (Ảnh: Toàn Vũ).

Ông Trần Bảng từng làm Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương (nay là nhà hát Chèo Việt Nam). Ông là một người đức độ và khiêm tốn. Khi ông làm hồ sơ nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, ở một cấp, có những đánh giá về ông chưa đúng.

Khi đó, tôi làm ở Hội Nghệ sĩ sân khấu có nói với ông: Cụ phải làm một văn bản để đề nghị xét lại, nhưng ông nói: "Thôi Thọ ạ, mình cảm ơn, được thì cũng tốt, mà không được thì cũng không sao". Sau đó, vì những đóng góp của mình, ông vẫn được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007.

NSND Minh Thu: Thầy Trần Bảng chơi thân với bố tôi là NSND Mạnh Tuấn

Khóa chèo năm 1973-1977 mà chúng tôi học là khóa học gần gũi nhất với thầy Trần Bảng. Chúng tôi không chỉ được học các nghệ nhân chèo nổi tiếng mà các lý luận về ngành cũng được dạy rất chỉn chu, sát sao. Chưa một khóa chèo nào mà thầy dành tâm huyết đến vậy.

NSND Lê Tiến Thọ, Vân Quyền đau xót trong lễ tang NSND Trần Bảng - 2
NSND Minh Thu là con gái NSND Mạnh Tuấn, bà là người học trò thân thiết của "ông trùm chèo" Trần Bảng (Ảnh: Phương Bảo).

Tôi là con gái NSND Mạnh Tuấn. Nhà tôi và nhà thầy cùng ở đoàn văn công Mai Dịch, nhà tôi tầng 1, nhà thầy ở tầng 2. Trước khi học chèo, tôi gọi thầy là bác, vì thầy hơn tuổi bố mẹ tôi.

Bố tôi và thầy cũng khá thân nhau. Khi thầy dựng vở Tình rừng, thầy đã chọn bố tôi vào vai ông già Ké. Dù lúc đó tôi còn nhỏ nhưng cũng được thầy chọn vào vai Tùng con. Tôi cũng là người học vai Thị Kính do cô Trần Thị Xuân là vợ của thầy dạy. Các con của thầy như: Trần Mây, Trần Trí, Trần Lực... và tôi chơi với nhau từ bé nên rất thân thiết.

Kể cả những lúc ngành nghệ thuật chèo ở thời điểm lao đao nhất, chúng tôi vẫn giữ một niềm tin son sắc với nghề vì có thầy luôn động viên, khích lệ. Ngoài đời, thầy là một người dễ chịu, hòa đồng, không bao giờ mắng học trò.

Không chỉ những năm gần đây, mà nhiều năm qua, thầy luôn nhắn nhủ học trò của mình phải cố gắng giữ tình yêu và lưu giữ nghệ thuật chèo. Thầy nói, đừng bao giờ để mai một môn nghệ thuật truyền thống này và chúng tôi đang giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo như thầy mong muốn.

Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Ở tuổi 97, ông vẫn vào Facebook hàng ngày

Tôi có 60 năm là học trò của thầy - NSND Trần Bảng. Thầy thì có nhiều học trò, nhưng gần gũi nhất chắc là tôi. Ông như một người cha tinh thần của tôi. Trong cuộc sống có gì lo âu, suy nghĩ, tôi cũng tâm sự với thầy. Tôi như con cháu trong nhà của thầy.

Hồi ở Việt Bắc, bố chồng tôi là ông Hoài Thanh là chủ hôn của hai ông bà. Khi Trần Lực lấy vợ, chồng tôi cũng là chủ hôn một đám cưới của Lực.

Trước khi ông mất vài ngày, tôi có gặp ông. Thầy tôi là một người lạc quan, ông rất tỉnh táo và biết sự hữu hạn của đời người. Thậm chí, cách đây mấy tháng, ông cũng đi viện cấp cứu, gặp tôi ông cười và bảo: "Tao tưởng, tao đi trận này nên có hào nào chia cho chúng nó hết rồi. Thôi vẫn sống thì lại gây quỹ lại".

Thi thoảng ông còn nói: "Tao thấy sống lâu buồn quá, vì bạn bè của tao "đi" hết rồi. Ông luôn tếu táo với chúng tôi như vậy.

NSND Lê Tiến Thọ, Vân Quyền đau xót trong lễ tang NSND Trần Bảng - 3

Nhà biên kịch Hồng Ngát (thứ 2, từ phải sang) có nhiều kỷ niệm khó quên với NSND Trần Bảng (Ảnh: Toàn Vũ).

Ông là một người thương học trò hết mực, từ khi tôi 15 tuổi đến nay là đã 73, chưa bao giờ tôi xa ông. Tôi làm cái gì ông cũng biết. Hàng ngày, ông vẫn thường xuyên lên mạng xã hội để biết thông tin, có 2 người hay vào trang cá nhân của tôi nhất là ông xã tôi (nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang - con thứ nhà phê bình Hoài Thanh - vừa mất tháng 9/2022) và ông Trần Bảng. Ông cũng buồn và xót xa mỗi khi tôi gặp chuyện không may.

Khi ông đã yếu, tôi vào thăm, ông cầm tay tôi rất trìu mến. Ông qua đời là sự tiếc nuối của nghệ thuật chèo nói riêng và giới văn nghệ nói chung.

NSND Vân Quyền: Thầy Trần Bảng là người dạy tôi diễn Thị Mầu

Tôi tốt nghiệp khóa chèo năm 1979-1983 và có nhiều kỷ niệm với thầy Trần Bảng. Thầy là một người độ lượng với học trò. Thầy để lại nhiều tài liệu về chèo, hiện tại khoa Kịch nói dân tộc vẫn dùng nhiều sách, tài liệu mà thầy đã nghiên cứu và để lại cho khoa.

NSND Lê Tiến Thọ, Vân Quyền đau xót trong lễ tang NSND Trần Bảng - 4
NSND Vân Quyền là thành công ở vai diễn Thị Mầu do NSND Trần Bảng chỉ dạy (Ảnh: Phương Bảo).

Khi còn đi học, tôi vào vai Thị Mầu trong vở Thị Màu lên chùa, phải học 1 năm, do chính thầy dàn dựng và đạo diễn trực tiếp. Thầy Trần Bảng rất tâm lý. Lúc nào ngồi ở dưới, thầy cũng chăm chú xem học sinh diễn nhưng sau đó, thầy mới nhẹ nhàng nhắc chỗ này được, chỗ kia chưa chuẩn để chúng tôi cố gắng hơn. Tôi thành công ở vai diễn Thị Mầu là nhờ công lớn của người thầy đáng kính.

Ngoài đời, NSND Trần Bảng là một người hiền lành, thi thoảng thầy có nhắn với ông xã tôi là NSƯT Đoàn Vinh: "Nhà hát có việc gì thì nhớ nhắn thầy nhé". Chúng tôi thường xuyên lên thăm thầy.

Năm 2019, khóa của tôi gồm có: Vân Quyền, Thúy Ngần, Thanh Ngoan… đạt danh hiệu NSND, chúng tôi cũng đến để báo cáo thầy. Thi thoảng, có ai không nhớ một làn điệu nào đó, cũng lên hỏi thầy xem làm thế nào là đúng.

Thầy ra đi trong niềm tiếc thương, đau xót của gia đình, bạn bè, học trò. Chúng tôi sẽ luôn nhớ những lời dạy của thầy để giữ gìn và tiếp nối nghệ thuật chèo.

Ảnh: Toàn Vũ