Trích sách "1% nỗ lực": Bảo vệ quyền lợi là lý luận của kẻ yếu

Viên Minh

(Dân trí) - "Kẻ yếu có phương pháp sinh tồn của kẻ yếu. Giờ là thời đại mỗi người phải tự bảo vệ cuộc sống của mình".

Cuốn sách 1% nỗ lực của tác giả Hiroyuki, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, được xem là sách best-seller (bán chạy) của nước Nhật. 

Tác phẩm đem đến 49 suy nghĩ giúp độc giả nhận định được lúc nào nên cố gắng, lúc nào nên buông bỏ và điều bạn có thể thay đổi để sống cuộc đời thoải mái và nhàn hạ hơn.

Với cách tư duy này, bạn có thể chỉ cần bỏ ra 1% nỗ lực nhưng vẫn đạt được thành công trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống.

Lý luận của kẻ yếu

Nhiều người không chịu công nhận mặt tồi tệ của con người, dù rằng nếu bị lột đi vỏ bọc thì giới tinh hoa cũng có người để lộ bản chất dám làm chuyện xấu xa. Ai cũng biết trên đời này không có ai hoàn hảo.

Nghĩ lại những năm tiểu học của mình, tôi không nhớ có ngày nào mình không bị thầy cô la mắng. Bữa thì chọc phá bạn bè, bữa thì làm chuyện riêng trong giờ học. Có lẽ tôi mắc chứng tăng động giảm chú ý cũng nên.

Khi bị nhắc nhở tôi thường không đồng ý và cãi lại thầy cô. Tôi rất hay đọc truyện tranh trong những tiết học tôi cho là nhàm chán và khi bị la thì trả treo: "Em thấy đọc truyện còn có ích hơn".

Sự hư hỏng cũng có nguyên do riêng của nó. Thay vì che giấu sự hư hỏng, ta nên nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận đó là hư hỏng.

Trích sách 1% nỗ lực: Bảo vệ quyền lợi là lý luận của kẻ yếu - 1

Bìa sách "1% nỗ lực" (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ)

Trong số bạn bè ở khu tập thể, nghe nói có một người bạn xa lánh xã hội khiến tôi phải suy nghĩ. Cậu bạn này về sau cũng có lần đến dự sự kiện Siêu hội nghị Nico Nico.

Tôi đến chào và hỏi thăm thì được biết cậu ta mắc chứng trầm cảm, không ham muốn làm bất cứ điều gì nên suốt ngày chỉ nằm ườn ở nhà, ngay đến suy nghĩ làm gì đó cũng không.

Chỉ cần nghĩ đến chuyện làm gì khác ngoài thói quen hằng ngày là cậu lại gặp rào cản tâm lý. Bạn tôi phải vận dụng hết toàn lực cho những chuyện đơn giản nhất như ra khỏi nhà hay gọi điện cho ai đó. Từ việc học dùng máy tính cho đến ký hợp đồng với nhà mạng, việc nào đối với cậu ta cũng vô cùng khó khăn.

Cha mẹ cậu ta không dám nói thẳng ra "con hết thuốc chữa rồi", vả lại đây cũng không phải là vấn đề để tranh cãi, nên họ chỉ còn cách chấp nhận hiện trạng, xem như chuyện mặc nhiên.

Cộng đồng ở khu tập thể thường chấp nhận những người như bạn tôi. Trong khi đó, người mới rất khó xin vào ở, do khu tập thể hiện đã quá đông đúc.

Tôi nghe nói người ta đang có kế hoạch đập đi xây lại toàn bộ khu tập thể Kirigaoka. Cơ quan có thẩm quyền dự tính trong vòng 20 năm sẽ xây xong một tòa cao ốc lớn và đưa tất cả cư dân vào đó, rồi sẽ phá bỏ chung cư cũ.

Nghe nói những cư dân cùng thế hệ cha mẹ tôi hiện vẫn còn sống ở khu tập thể. Mọi người đã quen biết nhau từ lâu, giá thuê nhà lại rẻ nên chẳng ai muốn dọn đi. Dự án cải tạo quy mô lớn nói trên lại do Nhà nước đầu tư toàn bộ nên họ càng không phải lo lắng gì.

Xét về mặt đó, tôi thấy những người đã sống ở khu tập thể từ đầu quả là có lợi thế. Sẽ có người phê phán, gọi dạng quyền lợi này là "đặc quyền đặc lợi", nhưng tôi lại không nghĩ vậy.

Chúng ta nên nắm chắc trong tay những quyền lợi mình đang có. Hãy nhớ câu này: Con người là sinh vật luôn bảo vệ quyền lợi.

Quyền lợi của mình thì mình phải tự bảo vệ, vì không ai giữ giùm mình cả. Người vừa bảo vệ quyền lợi vừa chuẩn bị sẵn phương án bỏ chạy khi kẻ khác có động thái xâm phạm quyền lợi của mình là người khôn ngoan.

Nói đến giới làm công ăn lương, chắc ở công ty nào cũng có những người trốn việc hay người chỉ biết đến bản thân. Chắc chắn họ đang hành động theo logic riêng của họ.

Kẻ yếu có phương pháp sinh tồn của kẻ yếu.

Tôi hiểu tâm lý chung là phê phán những người chỉ lo cho bản thân, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải phí sức bận tâm về chuyện đó.

Giờ là thời đại mỗi người phải tự bảo vệ cuộc sống của mình.

Có những người một khi đã được sống trong nhà tập thể giá rẻ rồi thì kể cả về sau, khi thu nhập không thấp nữa cũng không trả nhà mà nhượng lại cho bà con, bè bạn.

Ngày xưa, nhiều khu nhà tập thể không có sẵn bồn tắm. Nhiều người dọn vào sống, kêu ca phàn nàn rồi cuối cùng cũng gọi thợ tới lắp bồn tắm ngoài ban công. Hồi học tiểu học, tôi thấy nhiều căn hộ cơi nới như vậy, nhìn mãi thành quen.

Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn không chắc việc tu sửa lớn nhà thuê như vậy là có nên không, nhưng đối với họ thì đó có lẽ là việc đương nhiên vì họ đã xác định sống cả đời ở đây. Người đã chuẩn bị tinh thần thường rất gan lì. Nếu giữ gìn thể diện là lý lẽ của kẻ mạnh thì bảo vệ quyền lợi lại là lý luận của kẻ yếu.