Trưng bày 300 hình ảnh, hiện vật về "Học sinh miền Nam trên đất Bắc"

Mộc Khải

(Dân trí) - Buổi trưng bày chuyên đề "Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-1975)" lần đầu tổ chức tại TPHCM, nhằm ôn lại quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Sáng 17/5, buổi khai mạc trưng bày chuyên đề "Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 1975)" do Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với Bảo tàng TPHCM và Bảo tàng Vĩnh Phúc thực hiện, diễn ra tại Bảo tàng TPHCM (quận 1, TPHCM).

Trưng bày 300 hình ảnh, hiện vật về Học sinh miền Nam trên đất Bắc - 1

Nhà Văn Nguyễn Thị Xuân Phượng - cựu cán bộ miền Nam sống trên đất Bắc trước năm 1975 - phát biểu tại buổi khai mạc (Ảnh: Mộc Khải).

Trưng bày chuyên đề "Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 1975)" lần đầu tiên tổ chức tại TPHCM, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và học sinh miền Nam nói riêng, trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình các ngày kỷ niệm trọng điểm quốc gia năm 2024, kỷ niệm 70 năm ngày ký hiệp định Geneve và sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc (1954-2024).

Trưng bày 300 hình ảnh, hiện vật về Học sinh miền Nam trên đất Bắc - 2

Đông đảo cựu học sinh miền Nam từng sống trên đất Bắc có mặt tại buổi khai mạc (Ảnh: Mộc Khải).

Trưng bày chuyên đề giới thiệu đến công chúng gần 300 hình ảnh, hiện vật cùng những thông tin về quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc từ năm 1954 đến năm 1975.

Đó là các thế hệ học sinh mà cha mẹ đều tham gia các hoạt động yêu nước, chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước ở chiến trường miền Nam, qua đó khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trưng bày 300 hình ảnh, hiện vật về Học sinh miền Nam trên đất Bắc - 3

Gần 300 hình ảnh, tư liệu có giá trị lịch sử liên quan đến các thế hệ học sinh miền Nam sống trên đất Bắc được trưng bày tại Bảo tàng TPHCM (Ảnh: Mộc Khải).

Buổi khai mạc còn có sự hiện diện của các thế hệ học sinh miền Nam ưu tú, có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước và đại diện nhân dân các địa phương miền Bắc từng góp phần cưu mang, đùm bọc học sinh miền Nam.

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Huỳnh Văn Thòn - Phó trưởng Ban thường trực Ban Liên lạc học sinh Miền Nam Trung ương - cho biết bản thân rất xúc động và hãnh diện khi nhớ tới môi trường giáo dục toàn diện, đầy đủ trí - đức - thể - mỹ mà hầu hết học sinh miền Nam có được khi sống trên đất Bắc.

"Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương mong muốn, dù thời gian có lùi xa 70 năm hoặc lâu hơn nữa, mỗi người dân đều không được quên các giá trị hòa bình, đoàn tụ, thống nhất và phát triển mà chúng ta đang có đều được đánh đổi bằng sự mất mát, hi sinh và chia cắt", ông Thòn nói.

Trưng bày 300 hình ảnh, hiện vật về Học sinh miền Nam trên đất Bắc - 4

Cây đàn do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Danh mua khi tập kết ra Bắc (1954) rồi tặng cho ông Võ Đăng Tin - Học sinh miền Nam Vĩnh Yên, Nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ Kịch TPHCM - sử dụng trong thời gian học tập và công tác (Ảnh: Mộc Khải).

Trưng bày chuyên đề Học sinh miền Nam trên Đất Bắc (1954-1975) diễn ra tại Bảo tàng TPHCM (quận 1, TPHCM) từ ngày 17/5 đến hết ngày 30/7.