Xuất bản cuốn sách về "người anh hùng áo vải" Quang Trung - Nguyễn Huệ

Hương Hồ

(Dân trí) - NXB Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách "Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792)" của nhà nghiên cứu sử học và văn học Hoàng Thúc Trâm, bút danh là Hoa Bằng (1902-1977).

Cuốn sách Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792) của nhà nghiên cứu sử học và văn học Hoàng Thúc Trâm với bút danh chính là Hoa Bằng, là một trong những tác phẩm về lịch sử Việt Nam, khắc họa cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của vua Quang Trung.

Dưới ngòi bút linh hoạt, đầy sức hấp dẫn của Hoa Bằng, cùng những tư liệu quý vừa phong phú, vừa mới mẻ, tầm vóc, tài năng của hoàng đế Quang Trung hiện lên vô cùng sống động và được tác giả làm sáng rõ với những nhận định, đánh giá xác đáng.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1944, trải qua nhiều lần xuất bản với nhiều nhà xuất bản khác nhau.

Nhằm tiếp tục gìn giữ, kế thừa, tiếp bước và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của phong trào Tây Sơn và tỏ lòng thành kính, tri ân những đóng góp của người anh hùng "áo vải cờ đào", trí dũng song toàn Quang Trung - Nguyễn Huệ, NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792).

Xuất bản cuốn sách về người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ - 1

Cuốn sách Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792) của nhà nghiên cứu sử học và văn học Hoàng Thúc Trâm (Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật).

Nội dung cuốn sách được lấy theo bản in năm 1998 do Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam cung cấp.

Viết lời giới thiệu cuốn sách, PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, Ủy viên Hội đồng khoa học Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam cho rằng, với cuốn Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792), Hoa Bằng đã cắm một cái mốc chắc chắn, không ai quên được khi muốn tiếp tục đi vào nghiên cứu cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cùng vương triều Tây Sơn.

Theo PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, hơn 20 năm đã trôi qua song tác phẩm Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792) của Hoa Bằng vẫn giữ nguyên giá trị của nó, vẫn được giới nghiên cứu trân trọng sử dụng.

Sau Hoa Bằng nhiều năm, có một số tác giả cũng viết về Quang Trung Nguyễn Huệ, nhưng các cuốn sách đó chưa vượt được công trình của Hoa Bằng, nhất là về tư liệu.

"Có thể nói, tất cả các thành tích quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa thời Tây Sơn cũng như tầm vóc, tài năng của Nguyễn Huệ đã được Hoa Bằng làm sáng rõ và đánh giá xác đáng qua tác phẩm quan trọng này.

Ngòi bút viết về người anh hùng Nguyễn Huệ của Hoa Bằng rất tươi tắn, linh hoạt, có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc", PGS.TS Tạ Ngọc Liễn chia sẻ.

PGS.TS Tạ Ngọc Liễn nhìn nhận, cơ sở nền móng làm cho cuốn Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792) đứng vững được lâu chính là nhờ tác giả đã khai thác, sử dụng được một khối lượng tư liệu vừa phong phú, vừa mới mẻ mà nhiều nhà nghiên cứu đương thời không tiếp cận được.

"Đọc Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792), chúng ta thấy ở đây những nguồn tài liệu đời Tây Sơn lần đầu tiên được trình bày hết sức thú vị, thí dụ các văn kiện bang giao do Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích viết, các tư liệu văn thơ trong Ngô gia văn phái, các sách dã sử thời Hậu Lê...", ông chia sẻ. 

Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm là nhà nghiên cứu sử học, văn học; nhà dịch thuật Hán học nổi tiếng ở nước ta. Cụ sinh ngày 30/8/1902 trong một gia đình nho học, thân phụ là cử nhân Hoàng Thúc Hội, quê ở làng Hạ Yên Quyết, nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Từ những năm 20 cho đến khi qua đời (tháng 3/1977), cụ liên tục cầm bút phụng sự cho sự nghiệp nghiên cứu và truyền bá lịch sử dân tộc, văn hóa dân tộc với một tâm niệm: "Phải hiểu cho thấu lịch sử và văn hóa nước Nam thì mới đáng làm người Nam".

Qua gần một trăm công trình Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm để lại, bao gồm sách viết riêng, viết chung, sách dịch, hiệu đính, các bài luận văn, bài báo, chúng ta thấy cụ có một vốn tri thức đồ sộ về Hán học, sử học, văn học; về lịch sử tư tưởng cổ Việt Nam, Trung Quốc;

Lòng yêu thích đối với lịch sử dân tộc của Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm được bộc lộ ngay từ thời kỳ đầu cụ cầm bút qua mảng đề tài lịch sử mà cụ khai thác, công bố trên các báo Trung Bắc tân văn, Tri tân, Thanh Nghị, Tiểu thuyết thứ bảy...

Những tác phẩm đầy tâm huyết của cụ đã được in vào thời gian tác giả sống ở Hà Nội tạm chiếm 1945-1954, như: Dương Hậu, Quốc văn đời Tây Sơn, Hồ Xuân Hương, Nhà thơ cách mạng, Trần Hưng Đạo, Hán Việt tân từ điển, Dân tộc tính trong ca dao, Lý Văn Phức...