Thời gian giữ ngạch để được thi chuyên viên chính

Bà Đỗ Đào Hạnh (Hải Phòng) được tuyển dụng ngạch giảng viên trường cao đẳng từ năm 2000, công tác liên tục đến ngày 30/11/2017. Cùng thời gian làm tại trường, từ tháng 4/2015 đến nay, bà Hạnh làm thêm công việc nhân viên văn phòng tại Công ty TNHH Đại lý Hàng hải Đại Tây Dương.

Năm 2008, khi đang là giảng viên của trường cao đẳng, bà Hạnh có theo học và được cấp chứng chỉ chuyên viên.

Ngày 1/12/2017, bà Hạnh chuyển công tác về cơ quan mới và được xếp vào ngạch chuyên viên. Khi chuyển công tác, hệ số lương của bà là 3,99. Về cơ quan mới bà vẫn được xếp hệ số lương 3,99. Đến tháng 3/2019, bà sẽ được nâng lương lên hệ số 4,32.

Bà Hạnh có theo học lớp bồi dưỡng chuyên viên chính và được cấp bằng tháng 2/2018.

Xét các điều kiện về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học để thi chuyên viên chính thì bà Hạnh có đủ, tuy nhiên, điều kiện tối thiểu 36 tháng giữ ngạch chuyên viên thì không đủ. Bà Hạnh hỏi, thời gian giữ ngạch giảng viên của bà có thể coi là giữ ngạch tương đương chuyên viên, hay hiện nay bà vẫn đang làm thêm tại Công ty TNHH Đại lý Hàng hải Đại Tây Dương thì bà có đủ điều kiện về thời gian giữ ngạch để thi chuyên viên chính hay không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Ngạch chuyên viên chính (mã số ngạch 01.002), là ngạch công chức hành chính có yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ cao về một hoặc một số lĩnh vực trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ cấp huyện trở lên, có trách nhiệm thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ phức tạp trong cơ quan, đơn vị; tham mưu, tổng hợp xây dựng hoặc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách theo ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.

Điểm h, Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 9/10/2014 của Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 05/2017/TT-BNV ngày 15/8/2017 của Bộ Nội vụ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2017, như sau: …Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương từ đủ9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 1 năm (đủ 12 tháng).

Thời gian giữ ngạch chuyên viên được tính từ khi bổ nhiệm ngạch chuyên viên cho đến khi chuyển sang ngạch khác (không tính thời gian tập sự, thử việc).

Trường hợp bà Đỗ Đào Hạnh, vào năm 2000 được tuyển dụng làm giảng viên một trường cao đẳng công lập, công tác liên tục cho đến ngày 30/11/2017. Trừ thời gian tập sự, thử việc, bà Hạnh có khoảng 16 năm là viên chức, với chức danh nghề nghiệp giảng viên (trước đây là ngạch giảng viên). Từ tháng 3/2016 bà Hạnh hưởng lương bậc 6/9 hệ số 3,99, thang lương viên chức A1, Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP .

Kể từ ngày 1/12/2017, bà Hạnh chuyển đến công tác tại một cơ quan Nhà nước (bà không nêu rõ cơ quan gì) được bổ nhiệm ngạch chuyên viên, xếp lương bậc 6/9, hệ số 3,99, thang lương công chức loại A1, Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan của Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; thời điểm nâng bậc lương lần sau là tháng 3/2019.

Nếu sự việc đúng như bà Hạnh phản ánh thì, bà Hạnh là viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong cơ quan Nhà nước.

So sánh giữa viên chức được bổ nhiệm chức danh giảng viên (trước đây là ngạch giảng viên) tại các trường cao đẳng, đại học công lập, với công chức được bổ nhiệm ngạch chuyên viên (mã số ngạch 01.003) tại các cơ quan Nhà nước, thì thấy trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tương đương nhau (phải có bằng đại học, sau đại học), mặc dù được xếp lương theo thang lương, bảng lương khác nhau, nhưng có hệ số lương ở các bậc lương như nhau, chênh lệch hệ số tiền lương giữa hai bậc liền kề như nhau, số bậc lương trong thang lương như nhau. Vì vậy, theo luật sư, chức danh nghề nghiệp giảng viên (ngạch giảng viên) được coi là ngạch tương đương với ngạch chuyên viên.

So sánh quy định công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương từ đủ9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 1 năm (đủ 12 tháng), nhận thấy: Bà Hạnh có thời gian trên 9 năm giữ chức danh giảng viên (ngạch giảng viên) tương đương ngạch chuyên viên. Thời gian bà Hạnh giữ ngạch chuyên viên được tính từ khi bổ nhiệm ngạch chuyên viên (ngày 1/12/2017), đến ngày 1/12/2018 thì đủ 1 năm. Như vậy, kể từ ngày 1/12/2018, bà Hạnh sẽ đủ điều kiện về thời gian giữ ngạch chuyên viên để dự thi nâng ngạch chuyên viên chính.

Đối với thời gian bà Hạnh làm thêm tại Công ty TNHH Đại lý Hàng hải Đại Tây Dương, do Công ty TNHH này là một loại hình doanh nghiệp, không phải là cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, do đó thời gian bà Hạnh làm việc tại Công ty này, với chức danh gì, cũng không được tính là thời gian làm căn cứ dự thi nâng ngạch chuyên viên chính. Bà Hạnh cần lưu ý thực hiện đúng quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm nêu tại Điều 37 của Luật Phòng, chống tham nhũng .

Việc thi nâng ngạch chuyên viên chính (MS 01.002) chỉ được thực hiện đối với công chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước đang giữ ngạch chuyên viên (MS 01.003).

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.