Tăng trưởng xanh: Quảng Ninh xác lập vị trí

Tuy khái niệm tăng trưởng xanh được coi là khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng với những định hướng, chủ trương thực hiện từ rất sớm, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh, thành đi đầu trong cả nước về thực hiện nhiệm vụ này.

Từ những chủ trương mang tầm chiến lược

Thời gian qua, Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc xây dựng một xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh quốc phòng được giữ vững; hội nhập quốc tế sâu rộng. Về kinh tế, tăng trưởng GDP trung bình ba năm 2011-2013 đạt gần 9%; GDP bình quân đầu người năm 2013 tăng 1,6 lần so với năm 2010. Năm 2014, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8%. Đây là mức tăng khá so với bình quân cả nước và một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức, đặc biệt là mâu thuẫn giữa việc phát triển công nghiệp (khai thác than, xi măng, nhiệt điện) với phát triển du lịch, dịch vụ (hàng năm đón từ 7-8 triệu khách du lịch) trên cùng một địa bàn; thách thức giữa phát triển công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh (tỷ lệ đô thị hoá cao 55%) với giải quyết vấn đề môi trường sống; thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao (Quảng Ninh có 9 huyện, thị, thành phố ven biển, trong đó có 8 xã dưới mực nước biển).

Tăng trưởng xanh: Quảng Ninh xác lập vị trí
Phát huy lợi thế dịch vụ cảng biển là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Tăng trưởng xanh của Quảng Ninh.

Do đó đối với Quảng Ninh, việc đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu cấp bách, xuất phát từ tình hình thực trạng hiện nay. Thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012, tỉnh đã cụ thể hoá giải pháp thực hiện của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện Chiến lược với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tập trung thực hiện. Xây dựng các quy hoạch chiến lược để làm nền tảng cho tăng trưởng xanh với sự hợp tác của Tư vấn hàng đầu Quốc tế và nỗ lực hiện thực hoá các quy hoạch (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch về đô thị và hạ tầng; quy hoạch sử dụng đất đai; quy hoạch về phát triển khoa học công nghệ; quy hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch bảo vệ môi trường; quy hoạch phát triển du lịch). Đây chính là cơ sở để khai thác tối đa cơ hội, tiềm năng, những yếu tố bền vững và hạn chế tối đa những thách thức mà Quảng Ninh đang gặp phải.

Từng bước “xanh hoá” mô hình tăng trưởng

Với quan điểm xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh ở Quảng Ninh là, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, hài hoà giữa phát triển công nghiệp với việc bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển du lịch.

Hiện Quảng Ninh còn đang phải đối mặt với một số thách thức lớn: Là một tỉnh công nghiệp - trong đó tập trung hầu hết các cơ sở khai thác khoáng sản, than đá, làm ra sản lượng than chiếm tới trên dưới 90% sản lượng cả nước, cộng với các ngành công nghiệp khác như sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện, cơ khí, đóng tàu cùng với tốc độ đô thị hoá mạnh... đã tạo ra áp lực lớn đối với vấn đề môi trường sinh thái. Trên thực tế đã tạo ra sự xung đột, mâu thuẫn với phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên cùng một địa bàn, đặc biệt là đối với Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Tỉnh đã lựa chọn con đường tăng trưởng xanh, nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, tỉnh đã từng bước thực hiện “xanh hoá” mô hình tăng trưởng kinh tế bằng đồng bộ các giải pháp như: Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là phục vụ tăng trưởng xanh (trong các ngành kinh tế biển, thương mại, du lịch, nông nghiệp sinh thái...); xây dựng cơ chế chính sách, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng các cơ sở đào tạo chất lượng cao, đa ngành tại Quảng Ninh. Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến thành lập Trường đại học Hạ Long; triển khai Đề án đào tạo bồi dưỡng phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Quảng Ninh, trên nền tảng Quy hoạch tổng thể, phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh, nhằm tạo ra các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tận dụng và khai thác tối đa vị trí địa chiến lược của Quảng Ninh; từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản và nâng cao năng suất, chất lượng các ngành sản xuất như điện, vật liệu xây dựng...; khai thác có hiệu quả truyền thống, văn hoá, lịch sử, cảnh quan; từ thương hiệu quốc tế Vịnh Hạ Long, các sản phẩm đặc trưng của Quảng Ninh… Đầu tư cho phát triển và ứng dụng KH-CN, đặc biệt là công nghệ cao, cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để từng bước hình thành và phát triển kinh tế tri thức. Chú trọng tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động, dự án tổng thể cải thiện và bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn tỉnh… cũng là nhóm giải pháp quan trọng mà tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Đối với sản xuất công nghiệp, vốn là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh nhưng cũng gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất, tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch phát triển công nghiệp khai thác than, nhiệt điện, đóng tàu, vật liệu xây dựng một cách hợp lý, bền vững, dựa vào khoa học và công nghệ. Đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp địa phương, trọng tâm là công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường (giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác than trong cơ cấu kinh tế của tỉnh từ trên 70% những năm trước đây xuống còn 50% năm 2014).

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để đảm bảo phát triển bền vững, Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện chiến lược về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 với các mục tiêu cụ thể như: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính. Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, giữ vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc, là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2020, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát huy tối đa bản sắc văn hoá dân tộc.

Theo báo Quảng Ninh