1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

450 bài thi đến từ miền Nam, Sáng kiến An toàn giao thông đã lan tỏa trên cả nước

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Theo đại diện ban giám khảo, các bài thi "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023" tập trung vào nhóm tuyên truyền, đổi mới và tăng hiệu quả việc vận hành giao thông.

Sau 4 tháng khởi động đầy sôi nổi trên toàn quốc, cuộc thi "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023" do Báo Dân trí phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức đã ghi nhận số lượng bài thi kỷ lục, khi có hơn 1.110 ý tưởng đột phá gửi từ khắp mọi miền đất nước. Do số lượng bài dự thi tăng gấp hơn 3 lần so với năm ngoái, hạng mục "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam" có tới 1.051 bài thi, còn hạng mục "Sáng kiến Công nghệ về an toàn giao thông" là 63 bài.

Ngày 13/9, tại tòa soạn Báo Dân trí, ban giám khảo đã chấm vòng sơ khảo của cuộc thi, tìm ra các bài thi xuất sắc nhất cho cả 2 hạng mục "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam" và "Sáng kiến Công nghệ về an toàn giao thông".

450 bài thi đến từ miền Nam, Sáng kiến An toàn giao thông đã lan tỏa trên cả nước - 1
Số lượng bài thi tăng đột biến trong năm thứ 2 tổ chức cuộc thi "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam" cho thấy sức hút của chương trình với người dân cả nước (Ảnh: Ban tổ chức).

Ban tổ chức cho hay dù là năm đầu tiên phát động triển khai tại miền Nam nhưng khu vực này cũng ghi nhận số lượng bài dự thi tương đương miền Bắc, tới hơn 450 bài dự thi; riêng khu vực miền Trung là hơn 100 bài.

Nhận xét về cuộc thi năm nay, Trung tá Tạ Thị Hạnh Lê, cán bộ phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết điểm cộng lớn nhất là mức độ lan tỏa đã vượt xa so với năm 2022 về số lượng bài thi, nhóm tác giả tham gia và vùng miền tham gia. Điều này chứng tỏ sự thu hút của cuộc thi với người dân cả nước, các bạn trẻ là học sinh sinh viên, nhà khoa học, chuyên gia.

"Số lượng bài thi lên tới hơn 1.100, với 450 bài của khu vực miền Nam, là áp lực lớn với ban giám khảo, cũng khiến chúng tôi rất vui vì cuộc thi thực sự đã lan tỏa tích cực đến khắp người dân cả nước. Hơn nữa, năm nay, bài thi của các thí sinh là thầy cô giáo chiếm tỷ lệ lớn, trong đó nổi bật là nhóm giáo viên mầm non. Đây là điểm rất đáng hoan nghênh bởi các thầy cô chính là cầu nối kiến thức cho học sinh, sự nhiệt tình của các thầy cô với cuộc thi có ý nghĩa lớn với cộng đồng này cũng sẽ hướng thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên tăng ý thức thượng tôn pháp luật trong quá trình tham gia giao thông", Trung tá Hạnh Lê chia sẻ.

450 bài thi đến từ miền Nam, Sáng kiến An toàn giao thông đã lan tỏa trên cả nước - 2
Trung tá Tạ Thị Hạnh Lê, cán bộ phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông là tổ trưởng chấm thi hạng mục "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam" (Ảnh: Ban tổ chức).

Trong khi đó, ông Mai Ngọc Túy, Phó trưởng ban kỹ thuật dịch vụ, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, thành viên tổ chấm hạng mục "Sáng kiến Công nghệ về an toàn giao thông" cũng chia sẻ thống kê ấn tượng khi số lượng bài thi tăng gấp đôi so với năm ngoái với sự tham gia của cả tập thể giáo viên, học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT trên cả nước hưởng ứng, cùng chung tay đóng góp ý tưởng, với mong muốn giải quyết các vấn đề nóng của giao thông.

"Đối tượng tham gia đa dạng, có nhiều bài thi đến từ học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và người dân. Nhờ việc phát động cuộc thi cả trong khu vực miền Nam, số lượng bài thi năm nay tăng vọt so với năm trước", ông Túy chia sẻ.

Các bài thi, theo ông Túy, đang tập trung chủ yếu vào giải pháp đổi mới và tăng hiệu quả việc vận hành giao thông, như: điều khiến giao thông, hướng dẫn giao thông, dẫn đường. Do đó, công nghệ liên quan đến xe tuy cũng có nhưng không nhiều.

"Điều dễ thấy là các công nghệ liên quan đến xe thì khá hạn chế vì bản thân những ý tưởng đã áp dụng thực tế rồi, do đó không còn nhiều tính mới. Lý do là bởi tiêu chuẩn ô tô tại các nước phát triển khác nhiều so với ở Việt Nam, thậm chí đã được quy định là tiêu chuẩn phải đáp ứng của xe đưa ra phân phối thương mại (cảnh báo cân bằng, cảnh báo nồng độ cồn người lái, cảnh báo nhắm mắt, ngủ gật…), trong khi ở Việt Nam thì chưa áp dụng, do quy định pháp luật chưa có và cũng vì bài toán chi phí, giá xe cần phù hợp với thị trường", ông Túy nói.

Theo vị chuyên gia kỹ thuật ô tô thuộc Công ty Toyota Việt Nam, các tác giả thay vì tạo ra một công nghệ mới có thể cân nhắc tập trung vào việc đưa công nghệ có sẵn trong loại xe này sang loại xe khác, như từ xe con sang xe tải, xe đầu kéo…, để tăng tính hữu ích của sản phẩm.

Sau hơn 7 tiếng làm việc nỗ lực, tập trung và công tâm, 3 tổ chấm thi đã tìm ra top 16 bài thi xuất sắc nhất, với 8 bài thuộc hạng mục ý tưởng và 8 bài thuộc hạng mục công nghệ, để trực tiếp tranh tài tại vòng chung khảo diễn ra vào cuối tháng 9.