1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Sự cố vì hầm bộ hành Ngã Tư Sở:

Ban quản lý khắc phục kiểu đối phó

(Dân trí) - Ngay sau khi <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/3/172465.vip">hiện tượng tường nứt, đường lún</a> vì hầm bộ hành Ngã Tư Sở được phản ánh, sáng 28/3, Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cùng đơn vị tư vấn, giám sát đã có buổi làm việc với PV Dân trí. Tuy nhiên, những lời giải thích xem ra chưa thuyết phục người dân.

Nứt tường, lún đường do… rút cột cừ ẩu

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trong 4 cửa hầm A, B, C và D thì có cửa hầm B là không nằm tiếp giáp với nhà dân. Các cửa hầm còn lại đều cách nhà dân từ 2 - 4m, cụ thể cửa hầm A (nơi xảy ra sự cố) nằm phía đường Trường Chinh - Nguyễn Trãi cách 4m.

Trong quá trình thi công, chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu đã xem xét rất kỹ biện pháp thi công để bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, an toàn cho công trình và nhà dân. Tuy nhiên, vào tối ngày 26/3, khi đơn vị thi công rút cọc cừ đã vô ý làm vỡ ống nước phi 600 làm ngập toàn bộ công trường và hầm đi bộ.

Đây là một sự cố bất khả kháng nhưng việc để xảy ra tình trạng nứt tường nhà dân và lún đường thuộc về đơn vị thi công công trình nên phải có trách nhiệm đền bù cho các nhà dân bị ảnh hưởng.

 

Ngoài ra, Ban quản lý đã yêu cầu tư vấn và nhà thầu phải có ngay biện pháp khắc phục nứt nhà dân ngay trong tuần này. Về tiến độ hầm bộ hành sẽ vẫn được đảm bảo đưa vào sử dụng đúng ngày 1/5.

 

(Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội).

Ngay sau khi sự cố xảy ra, nhà thầu là liên danh Sumitomo-Vinaconex đã phải bơm nước ra ngoài để tránh tràn vào các khu vực khác. Đến 3h sáng ngày 27/3 mới khắc phục xong sự cố. Nhưng do nước ngập lâu đã ngấm vào móng nhà các hộ dân, đến khi nước rút gây lún sụt đường nội bộ và ảnh hưởng đến các nhà liền kề với đường.

“Ngay sáng 27/3, khi phát hiện sự cố, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị tư vấn, nhà thầu khắc phục sự cố. Cùng với đó, một đoàn công tác gồm chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn đã được lập ra để vào các nhà dân khảo sát, tổ chức khắc phục” - ông Tường cho biết.

Về phía đại diện nhà thầu thi công, ông Nguyễn Văn Thanh, cán bộ kỹ thuật liên danh Công ty Sumitomo-Vinaconex cho biết, tại đoạn đường nứt, sụt, đơn vị đã cho lấp kín, thổi nén chặt lại, trong công trường thì lắp thêm cột chống nên đến sáng 28/3 không còn hiện tượng lún, nứt, tuyến đường đã đi lại bình thường.

Đại diện nhà thầu cũng giãi bày, vào chiều 27/3, đơn vị này đã vào nhà 4 hộ dân để có biện pháp xử lý, tuy nhiên do chủ nhà đi vắng hết, chỉ có người giúp việc trông nhà nên đoàn đã chụp ảnh lại hiện trạng. Cũng theo ông Thanh, thì trước khi thi công hầm đường bộ này nhà thầu đã tổ chức khảo sát hiện trạng các nhà dân gần khu vực công trường  và trong quá trình thi công vẫn thường xuyên theo dõi các hộ liền kề.

Khắc phục theo kiểu đối phó

Ngay sau buổi làm việc với Ban quản lý, PV Dân trí đã quay lại nhà các hộ dân bị nứt tại công trường Ngã Tư Sở. Theo quan sát, đoạn đường nứt vỡ từ đường Nguyễn Trãi rẽ sang đường Trường Chinh đã được lấp tạm bằng cát.

Tiếp chúng tôi, bác Nguyễn Tất Khuê (chủ nhà 409) cho biết: chiều qua đơn vị thi công đã cử công nhân mang cát ra đổ lấp các vết nứt trên đường, họ nhặt gạch vỡ nhét xuống các vết nứt sau đó lấp cát lên chứ làm gì có chuyện nén đường hay lu lèn gì. Bác Khuê còn chỉ ra những vết nứt mới trên mặt đường - nơi mà trước đó nhà thầu khẳng định là đã theo dõi, xử lý thấy không có vết nứt đường mới?

Khi trao đổi về việc chủ đầu tư, nhà thầu nói đã xuống khảo sát nhưng không có ai ở nhà, chị Vũ Thanh Loan (nhà số 3 ngõ 411 đường Trường Chinh) bức xúc: “Hầu hết các gia đình đều có người ở nhà nhưng có thấy ai xuống đâu, chỉ duy nhất buổi sáng có mấy chuyên gia Nhật xuống xem qua nhưng chẳng nói gì sau đó đi ngay”.

Còn theo bác Bạch Đăng Toàn, tổ trưởng tổ dân phố 47 phường Khương Trung, thì làm gì có chuyện trước khi thực hiện đơn vị thi công khảo sát các nhà dân xung quanh. Bởi khi khởi công hầm, nhà dân còn… chưa xây dựng thì lấy gì mà khảo sát.

“Chẳng qua, đơn vị thi công làm ẩu, bởi ngoài việc cắm cọc cừ ngăn đất sụt thì phải làm thêm các giằng chống nhưng đơn vị thi công chỉ thì chỉ cắm mỗi cọc cừ. Thế nên từ khi bắt đầu thi công nhiều nhà dân đã bị nứt và đến ngày 27/3 khi có sự cố vỡ ống nước thì nhà dân nứt mạnh hơn” - bác Toàn khẳng định.

Như vậy là đã rõ, việc nhà dân bị nứt do thi công hầm đi bộ là có thật. Người dân tổ 47 phường Khương Trung đang mong ngóng ý kiến của lãnh đạo thành phố phải có ngay các biện pháp xử lý công trình đồng thời xử lý những ai thiếu trách nhiệm.

Giải quyết lún, nứt ra sao?

 

Đánh giá toàn bộ nguyên nhân, Giám đốc Tư vấn dự án, ông Shinji Sato cho biết, tư vấn đã yêu cầu cho chống lại cột cừ, lắp thêm băng chống. Ngoài ra, cũng đã mời Công ty Bảo hiểm dầu khí chụp ảnh về mức độ ảnh hưởng của sự cố với các nhà dân để có thể đưa ra hướng khắc phục.

 

Ông Nguyễn Văn Thành - Kỹ thuật hiện trường Liên doanh Sumitomo-Vinaconex cho biết, hiện các đơn vị đã lập đoàn khảo sát từng hộ dân để đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể. Việc đền bù cho người dân sẽ căn cứ trên mức thiệt hại cụ thể.

Mạnh Hùng