1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định giãn cách xã hội 15 ngày toàn huyện Phù Cát

Doãn Công

(Dân trí) - Chiều 25/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ký quyết định về việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Phù Cát.

Theo đó, từ 0h ngày 26/7, tỉnh Bình Định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội 15 ngày trên địa bàn huyện Phù Cát để phòng, chống dịch Covid-19.

Bình Định giãn cách xã hội 15 ngày toàn huyện Phù Cát - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong đó, thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với xã Cát Tường. Các xã, thị trấn còn lại thực hiện xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài các biện pháp trên, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo, UBND huyện Phù Cát chỉ đạo thực hiện thêm các biện pháp ứng phó với mức "Nguy cơ rất cao" theo quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lao động sản xuất phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Bình Định giãn cách xã hội 15 ngày toàn huyện Phù Cát - 2

Nhiều địa phương ở Bình Định thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 sau khi ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19.

Dừng hoạt động nhà máy, xí nghiệp, các hoạt động sản xuất, thu hoạch khi không đảm bảo an toàn.

Dừng các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Đám tang không quá 30 người, đám cưới không quá 20 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

Không tập trung từ 3 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m…

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long chủ trì cuộc họp với UBND TP Quy Nhơn, lãnh đạo các sở ngành liên quan về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh này đang diễn biến rất phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tiếp tục tinh thần chống dịch "như chống giặc" nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép".

"Khôi phục kinh tế rất quan trọng nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là công tác phòng chống dịch, đảm bảo tính mạng nhân dân là trên hết. Cần có cơ chế chính sách ưu tiên trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là lực lượng ở tuyến đầu chống dịch", ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương khẩn trương triển khai các chính sách theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ liên quan đến hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Phi Long, đối với 11 đối tượng theo Nghị quyết 68, tỉnh yêu cầu các địa phương giải quyết một cách nhanh nhất, rút gọn các thủ tục. Riêng đối với những lao động tự do không có ký kết hợp đồng lao động, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, trước mắt tạm ứng ngân sách để hỗ trợ.

"Ngoài đối tượng này, tỉnh bổ sung thêm 6 nhóm đối tượng lao động có điều kiện rất khó khăn như: xe ôm, xích lô, người bán vé số dạo… Sau một tuần triển khai, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chi hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng", ông Long cho biết thêm.