1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng:

“Cái gì đề ra rồi thì phải cố gắng thực hiện”

(Dân trí) - Chiều qua, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có buổi gặp gỡ đầu tiên với báo chí. Ông khẳng định chủ trương sắp tới sẽ nâng cao chất lượng giám sát của QH, hướng vào giám sát ngân sách, thực thi công vụ, giám sát chuyên đề và đổi mới chất vấn để nâng hiệu quả bộ máy công quyền.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An từng đánh giá: Quốc hội mới thực hiện được 30% công việc của mình. Vậy trong thời gian tới, Chủ tịch sẽ làm gì để cải thiện vấn đề này?

 

Đồng chí Nguyễn Văn An đã rất có lý khi lượng hoá rằng Quốc hội đã làm được 30% công việc. Tôi nghĩ điều này cũng phù hợp với thực tế. Hiện nay chúng ta có 493 ĐBQH, thì số ĐBQH chuyên trách chỉ chiếm khoảng 25%. Như vậy, 75% còn lại là kiêm nhiệm, khó có thể làm như ĐBQH chuyên trách được. Bản thân tôi cũng là ĐBQH kiêm nhiệm, cũng thấy rất khó khăn. Nhưng cũng không thể không có ĐBQH kiêm nhiệm vì đây là sự bổ sung cho nhau giữa bộ phận nghiên cứu sâu và các nhà hoạt động thực tiễn. Tôi nghĩ trước hết tất cả các vị ĐBQH đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước dân và sắp tới khi tổng kết nhiệm kỳ, sẽ phải rút ra những bài học cần thiết để cải tiến.

 

Hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã có nhiều đổi mới, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới hoạt động này cần tăng thêm cả về số lượng và chất lượng. Chủ tịch có đồng ý với quan điểm này?

 

Tôi hoàn toàn đồng ý! Hoạt động giám sát thời gian qua đã có một số kết quả bước đầu. Giám sát là để nâng cao trách nhiệm chính trị của các chức danh Nhà nước, để bảo đảm hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, hạn chế được những thiếu sót, tiêu cực. Vì thế, sắp tới sẽ phải nâng cao chất lượng giám sát, hướng vào giám sát ngân sách, giám sát thực thi công vụ, giám sát chuyên đề, và đổi mới chất vấn để nâng trách nhiệm cá nhân và tập thể trong bộ máy công quyền.

 

Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Nhưng, đến nay quy định này chưa thực hiện được do cơ chế. Chủ tịch sẽ làm gì để chế định quan trọng này đi vào thực hiện?

 

Bỏ phiếu tín nhiệm là một hình thức để giám sát. Chúng ta đã có quy định nhưng đúng là chưa cụ thể hoá được. Bên cạnh đó, cũng có tâm lý chưa thật quen lắm với cách làm này. Sắp tới sẽ phải cải tiến, cái gì đề ra rồi thì phải cố gắng thực hiện.

 

Ông có cảm thấy nhiều sức ép không khi mà vị tiền nhiệm đã có những hoạt động rất tích cực, góp phần đổi mới, nâng cao hoạt động của Quốc hội?

 

Tôi và đồng chí Nguyễn Văn An đã có quá trình cùng công tác với nhau rất lâu. Vừa qua, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Văn An có nhiều đổi mới, rất tâm huyết, sáng tạo. Tôi học tập được nhiều từ đồng chí Nguyễn Văn An, nhưng tôi không nghĩ đó là sức ép. Mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Đồng chí An bây giờ vẫn còn là ĐBQH, sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ tôi. Tôi có ý thức là sẽ luôn luôn trao đổi, học tập và chắc là thoải mái, không có sức ép gì cả.

 

Nhiều đại biểu đã đặt vấn đề cần phải có ít nhất 2 ứng cử viên cho một vị trí bầu. Vậy cá nhân ông có hài lòng khi là ứng cử viên duy nhất?

Đó là quyền của các ĐBQH, không thấy ai giới thiệu thêm ứng cử viên. Nếu có thêm thì tôi rất đồng tình. Tại sao lại giới thiệu một, điều này có nguyên tắc của nó. Các đảng ở các nước khác trên thế giới cũng vậy, đảng chỉ giới thiệu một thôi. Còn ra Quốc hội, các vị ĐBQH vẫn có quyền giới thiệu. Trước khi chốt danh sách, UBTV có hỏi các đại biểu có giới thiệu thêm ai không, nhưng không thấy đại biểu nào giới thiệu hay đề cử.

Có ý kiến cho rằng, chức năng đại diện là yếu nhất của Quốc hội hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Mối quan hệ giữa ĐBQH với cử tri và nhân dân đã từng bước được đổi mới. Tức là phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, của nhân dân đến Quốc hội, và phải thể hiện được trong nghị quyết của Quốc hội. Trước kia, ĐBQH đến một quận hoặc phường, mời các cơ quan, đại biểu có tính chất đại diện, nay đã làm theo chuyên đề, nghĩa là có thể gặp các doanh nghiệp, nhà quản lý, sinh viên - học sinh…Tiếp xúc là để chọn lọc, tiếp thu thông tin, thể hiện trong hành động công việc cụ thể. Sắp tới phải nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH theo quy định của pháp luật.

Đức Hòa (ghi)