1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Cam kết WTO thúc đẩy quá trình đổi mới

(Dân trí) - Dù đồng tình với việc gia nhập WTO, nhưng trong phiên thảo luận chiều qua, nhiều đại biểu cũng chỉ ra những thách thức sẽ phải đương đầu. Với cái nhìn mới, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, cam kết hội nhập WTO không đơn thuần là nghĩa vụ với thế giới mà còn là động lực buộc chúng ta phải thay đổi.

Cam kết không đơn thuần là nghĩa vụ

 

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những cam kết hội nhập WTO không đơn thuần là nghĩa vụ đối với thế giới mà bản chất những cam kết đó phục vụ cho lợi ích phát triển của chính Việt Nam, là động lực thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế và phát triển bên trong của đất nước. 

 

“Đó là cam kết về sứ mệnh và nghĩa vụ, trách nhiệm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu, kém phát triển thông qua WTO”.

 

Đại biểu Lộc đề nghị, việc thực hiện các cam kết WTO phải được thiết kế thành những chương trình hành động cụ thể, có lộ trình rõ ràng để có thể xác lập được cơ sở cho sự đồng thuận.

 

Những “thách thức bên trong” theo đại biểu Lộc cần được nhận diện rõ và có giải pháp kịp thời, đó là cơ sở hạ tầng, nền tảng cho sự phát triển, hiện còn yếu kém. Đó là sự non yếu của khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân

 

“Chính phủ ý thức cả cơ hội và thách thức. Chính phủ không xem cơ hội và thách thức là 2 tuyến riêng biệt mà nó chuyển hóa với nhau. Chính phủ đang xây dựng chương trình để báo cáo” - Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ Thương mại.

 

“Quá trình phát triển của tất cả các nước thành viên WTO đều có sự phân hoá xã hội rất lớn. Tôi cho rằng Chính phủ, Quốc hội, cũng như Mặt trận, các đoàn thể cần quân tâm tới nhiều hơn nữa vấn đề phân cấp, phân hoá xã hội bởi nó ảnh hưởng tới sự gắn kết xã hội và đoàn kết dân tộc” - Nguyễn Ngọc Trân, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội. 

Một vấn đề nữa được đại biểu Lộc đề cập là cải cách hành chính. “Câu hỏi bức xúc đối với toàn xã hội hiện nay là tại sao một nhiệm vụ luôn được xác định là trọng tâm, là đột phá mà hàng chục năm nay lại triển khai chậm trễ đến như vậy?”, ông Lộc bức xúc.

 

Cần một chương trình hành động cụ thể

 

Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, để thực hiện thành công các cam kết với WTO thì Chính phủ phải huy động được sự đồng tình, sự tham gia của tất cả các cơ quan, bộ, ngành và của quần chúng nhân dân.

 

Bà kiến nghị Chính phủ cần sớm công bố chương trình hành động, trong đó, cần tập hợp ý kiến đầy đủ, đặc biệt của các ngành nghề, các hiệp hội.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đồng tình và đề nghị Chính phủ phải có chương trình hành động chung của Nhà nước và xã hội.

 

Trợ cấp trực tiếp không tạo nên sự phát triển lành mạnh

 

Nỗi lo về nông nghiệp sau khi gia nhập WTO khiến đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) đề nghị, tăng mức trợ cấp trực tiếp cho nông nghiệp tăng lên, từ 8-10% so với khoảng 3% hiện nay.

 

Tuy nhiên, ý kiến này không được đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh đồng tình, vì theo bà Minh, qua kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy nước nào thực hiện chính sách trợ cấp trực tiếp cho nông dân thì ngành nông nghiệp của nước đó khó phát triển, những nước trợ cấp một cách hợp lý, đặt nông nghiệp trong cơ chế cạnh tranh bình đẳng thì nông nghiệp lại phát triển.

 

Bà ví dụ, lĩnh vực cá tra, basa hầu như không có trợ cấp Nhà nước nhưng đã đặt mục tiêu là đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất của thị trường. Xuất khẩu cá tra, cá basa từ mấy chục triệu USD (khi có vụ kiện ở Mỹ) năm nay nhiều khả năng đạt gần 800 triệu USD và sang năm có thể đạt trên 1 tỷ đô la.

 

“Như vậy có thể thấy, nếu chúng ta hỗ trợ một cách hợp lý thì ngành sản xuất sẽ phát triển, nếu trợ cấp một cách trực tiếp tôi e rằng đấy là một cách tiếp cận không tạo nên sự phát triển lành mạnh”.

 

Bà Minh đề nghị cần tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, phải có liên kết sản xuất: “Việc này nông dân không thể tự làm, mà cần các bộ, ngành, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương hết sức quan tâm”.

 

Bà Minh cũng đề nghị cần đào tạo về các kiến thức hội nhập cho cán bộ trong bộ máy hành chính.

 

WTO là Tổ chức thương mại quy mô toàn cầu, hiện có 149 Thành viên, được thành lập vào ngày 1/1/1995.

 

Nguyên tắc cơ bản nhất của WTO là Không phân biệt đối xử  - nguyên tắc quan trọng nhất của WTO, thể hiện qua hai chế độ là đối xử tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia (NT). Thúc đẩy thương mại quốc tế đối với hàng hoá và dịch vụ thông qua đàm phán dỡ bỏ rào cản giữa các quốc gia.  Minh bạch hóa: bao gồm minh bạch về chính sách và minh bạch về tiếp cận thị trường.

 

WTO có 26 Hiệp định chính. Trừ hai hiệp định tham gia trên cơ sở tự nguyện, các văn kiện của WTO đều mang tính bắt buộc, các thành viên phải cam kết tuân thủ theo nguyên tắc "chấp nhận cả gói".

 

Đàm phán gia nhập WTO bao gồm 4 giai đoạn:

 

(1) Giai đoạn làm rõ chính sách.

(2) Giai đoạn đàm phán cả trên khuôn khổ đa phương với Ban Công tác và đàm phán song phương với tất cả Thành viên WTO có yêu cầu.

(3) Giai đoạn hoàn tất văn kiện gia nhập.

(4) Giai đoạn phê chuẩn.

 
Đức Hòa