1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi Canh Hiển

Doãn Công

(Dân trí) - Theo lãnh đạo xã miền núi Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định, nguồn lực chính để địa phương về đích nông thôn mới là niềm tin, sự đồng thuận và cả sự đóng góp tài lực của hầu hết người dân trong xã.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 gồm nhiều dự án và tiểu dự án thành phần. Trong đó có Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.

Câu chuyện ghi nhận tại xã miền núi Canh Hiển (Vân Canh, Bình Định) chính là mô hình góp phần thực hiện dự án 4.

Sự đồng thuận của người dân trên địa bàn xã

Ngày 4/11, UBND huyện Vân Canh (Bình Định) tổ chức Lễ công bố quyết định và trao bằng công nhận xã Canh Hiển đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Xa-mien-nui-o-binh-dinh-ve-dich-nong-thon-moi_binh-dinh 1.jpg

Xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định về đích nông thôn mới (Ảnh: Bình Định).

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch UBND xã Canh Hiển, địa phương là xã miền núi thuộc huyện Vân Canh, nằm cách trung tâm huyện 7km về hướng đông bắc. Toàn xã có 4 thôn với diện tích tự nhiên hơn 3.600ha. Dân số xã có hơn 2.800 nhân khẩu với 854 hộ (trong đó có 5 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số).

Người dân ở đây sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và một bộ phận tham gia nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 3,88%.

Năm 2012, Canh Hiển bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp (đạt 5/19 tiêu chí), mức thu nhập bình quân đạt gần 5 triệu đồng/người/năm; các tiêu chí về hạ tầng giao thông, đường làng ngõ xóm đạt hơn 50%, đường trục chính nội đồng đạt gần 47%; tiêu chí về môi trường đạt 2/5 chỉ tiêu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn 39%…

Tuy vậy, khi chính thức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, người dân đã tích cực tham gia với phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi Canh Hiển - 2

Ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, phát biểu tại lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới (Ảnh: Bình Định).

"Chúng tôi xác định rõ "người dân là chủ thể", người dân đã ngày càng tham gia được nhiều hơn vào công việc của hệ thống chính trị. Nguồn lực đó chính là niềm tin và sự đồng thuận của hầu hết người dân trên địa bàn xã, sự hưởng ứng tích cực, đóng góp tài lực cho xây dựng nông thôn mới", ông Đô nói.

Đời sống người dân được cải thiện

Đến năm 2022, 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã Canh Hiển đều đạt chuẩn theo Quyết định 2224/QĐ-UBND ngày 16/7/2022 của UBND tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 3575/QĐ-UBND ngày 27/9/2023.

Cụ thể, xã có tỷ lệ đường liên xã được nhựa hóa, bê tông đạt 100%; đường trục thôn, xóm được bê tông đạt 100%, đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt trên 70%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động đạt 93%.

Chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi Canh Hiển - 3

Bộ mặt nông thôn ở xã Canh Hiển khởi sắc (Ảnh: Bình Định).

Các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học vào phát triển sản xuất, nâng cao năng suất các loại cây trồng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của nhân dân địa phương.

Năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp ở xã đạt trên 75%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn gần 3,9%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; môi trường sống được quan tâm, bảo vệ với phương châm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, khẳng định chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Đặc biệt, quá trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân, tích cực tham gia và trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp.

"Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Canh Hiển tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng chung sức thực hiện. Đồng thời, xác định những giải pháp cụ thể; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, giúp Canh Hiển thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian đến", ông Tiên nhấn mạnh.

Dịp này, UBND huyện Vân Canh đã trao giấy khen cho 7 tập thể, 10 cá nhân của xã Canh Hiển có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng nông thôn mới năm 2022.