1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Chất lượng bữa ăn quá thấp, công nhân “ôm” nỗi lo ngộ độc

(Dân trí) - Giá lương thực, thực phẩm tăng vọt nhưng suất ăn của đa số các doanh nghiệp chỉ dao động từ 10 - 12 nghìn đồng. Với mức giá này khó có thể đảm bảo chất dinh dưỡng để tái tạo năng lượng cho người lao động, chưa kể nguy cơ ngộ độc luôn rình rập.

TPHCM hiện có 13 khu chế xuất, khu công nghiệp với 1.036 doanh nghiệp (DN) sử dụng 256.000 lao động. Tuy nhiên với các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm rất chặt chẽ, DN khó thực hiện, lại thêm trường hợp có thể xảy ra ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh của nên nhiều doanh nghiệp không tổ chức bếp ăn mà chỉ nhận suất ăn sẵn từ bên ngoài hoặc phát tiền cho công nhân ăn tự túc.

Luật lao động không quy định về việc DN phải tổ chức bữa ăn giữa ca cho công nhân cũng như chưa quy định mức giá đối với mỗi suất ăn. Xuất phát từ yêu cầu sản xuất kinh doanh nên DN chủ động hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho người lao động, còn việc cho công nhân ăn thế nào là “quyền của doanh nghiệp”.

Chất lượng bữa ăn quá thấp, công nhân “ôm” nỗi lo ngộ độc - 1
Chất lượng bữa ăn thấp khiến ngộ độc thực phẩm ở công nhân liên tiếp xảy ra

Do đó, vì mục đích lợi nhuận, nhiều DN chỉ đặt suất ăn cho người lao động với mức giá rất thấp, dao động từ 10 - 12 ngàn đồng/suất. Cá biệt vẫn còn DN tổ chức bữa ăn cho công nhân với mức giá 8.000 đồng cho mỗi suất cơm. Giá cả lương thực thực phẩm tăng cao trong khi DN đặt giá suất cơm quá thấp nên nhiều cơ sở chế biến thức ăn có tên tuổi không thể đáp ứng.

Để tìm giải pháp thích ứng, các DN không ngần ngại tìm đến những cơ sở chế biến thức ăn “chui” với giá mềm. Thực tế giá hợp đồng khoảng 10 - 12 nghìn đồng cho một suất ăn nhưng sau khi trừ các chi phí về công chế biến, hao mòn xoong chảo… thì suất cơm đến tay người lao động chỉ còn được tính bằng con số tiền nghìn.

Theo thống kê của Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, trong 7 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn thành phố đã liên tiếp xảy ra 70 cuộc đình công của công nhân, trong đó có gần 60 cuộc đòi tăng lương và hơn 10 cuộc là do chất lượng bữa ăn của người lao động quá thấp.

Tính riêng tháng 6 năm 2011, chỉ trong 3 tuần đã có 5 vụ ngộ độc tập thể xảy ra khiến hơn 500 người phải nhập viện, nạn nhân của các vụ ngộ độc đều là công nhân. Mặc dù Sở Y tế TPHCM đã có văn bản đề nghị không sử dụng cá ngừ để chế biến thức ăn tại các bếp ăn tập thể nhưng thực tế cho thấy, trong số 5 vụ ngộ độc mới xảy ra thì có 2 vụ liên quan đến độc tố histamin trong cá ngừ.

Chất lượng bữa ăn quá thấp, công nhân “ôm” nỗi lo ngộ độc - 2
Ý thức đảm bảo ATVSTP của các cơ sở chế biến còn quá thấp

Theo phân tích của ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP thành phố thì việc vận chuyển suất ăn từ nơi khác chuyển đến xảy ra ngộ độc cũng không ngừng tăng cao. Tính riêng 5 vụ ngộ độc trong năm 2011 đã có 4 vụ nấu từ nơi khác đem vào, nguyên nhân ngộ độc có thể do thức ăn không được hâm nóng nên đã bị nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm của chủ cơ sở chế biến suất ăn sẵn và DN có bếp ăn tập thể còn quá kém, chưa có trách nhiệm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong 4 tháng đầu năm và tháng vận động chất lượng VSATTP toàn thành phố đã không xảy ra vụ ngộ độc nào, nhưng khi việc thanh kiểm tra vừa ngưng lại thì hàng loạt vụ ngộ độc đã xảy ra. Điều đó cho thấy, việc tiếp các đoàn thanh kiểm tra theo đợt có thông báo trước còn mang tính đối phó.

Trước tình trạng trên, ông Hồ Xuân Lâm - Trưởng phòng Quản lý lao động Hepza - kiến nghị: “Cơ quan quản lý nhà nước cần thiết phải ban hành các văn bản luật liên quan đến việc DN phải thực hiện việc chăm lo bữa ăn giữa ca cho người lao động. Sở Y tế cho kết luận sớm về nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm để can thiệp kịp thời. Bộ Y tế công bố các chuẩn về năng lượng của bữa ăn công nghiệp để DN và người lao động lấy đó làm căn cứ thực hiện và giám sát”.

Vân Sơn