1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Chủ đầu tư trạm thu phí ở Quảng Nam đề nghị nhà nước mua lại dự án BOT

Công Bính

(Dân trí) - Chủ đầu tư trạm BOT đề nghị nhà nước xem xét mua lại toàn bộ dự án, hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để đơn vị trả nợ ngân hàng; hoặc có phương án di dời trạm đến vị trí khác thuận lợi hơn.

Ngày 6/5, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Thân Hóa - Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng công trình 545 - chủ đầu tư trạm BOT quốc lộ 1 đặt tại phường Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam - cho biết vừa có văn bản kiến nghị gửi Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục đường bộ Việt Nam xem xét xử lý tình trạng các phương tiện giao thông đi vòng tránh trạm.

Chủ đầu tư trạm BOT đề nghị nhà nước xem xét mua lại toàn bộ dự án BOT nói trên; hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để đơn vị có nguồn trả nợ ngân hàng; hoặc có phương án di dời trạm đến vị trí khác thuận lợi hơn.

Chủ đầu tư trạm thu phí ở Quảng Nam đề nghị nhà nước mua lại dự án BOT - 1

Xe tải né trạm thu phí lưu thông vào khu dân cư (Ảnh: Công Bính).

Theo chủ đầu tư, việc kiến nghị này nhằm đảm bảo việc thanh toán nợ vay cho dự án đúng thời gian quy định và tránh quá hạn, nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng như tránh nguy cơ bể phương án tài chính đối với dự án này do tình trạng hụt thu.

Ông Hóa cho hay, thời gian đầu nguồn thu tương đối ổn định, đảm bảo thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay cho ngân hàng đầy đủ đúng theo như tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông vận tải.

Từ đầu năm 2018, tình hình thu phí thực tế qua trạm liên tục tụt giảm. Hiện tụt giảm đến 90% so với phương án tài chính trong hợp đồng.

Nguyên nhân do việc miễn, giảm giá vé đối với các phương tiện giao thông trên địa bàn lân cận theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải; phương án tăng giá vé theo quy định trong hợp đồng 3 năm một lần chưa được cấp thẩm quyền cho áp dụng đúng thời gian.

Ngoài ra, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác, tuyến đường ven biển Đà Nẵng đi Quảng Nam, tuyến ĐH8 nối với tuyến đường ĐT607 ra cảng Tiên Sa, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trên cả nước…

Chủ đầu tư trạm thu phí ở Quảng Nam đề nghị nhà nước mua lại dự án BOT - 2

Lượng ô tô qua trạm hiện nay tụt giảm đến 90% (Ảnh: Bình An).

Ngoài những nguyên nhân nói trên, chủ đầu tư cho biết, vấn đề gây ra việc tụt giảm nghiêm trọng nguồn thu do các phương tiện tham gia giao thông thực tế qua trạm thu phí thấp hơn rất nhiều so với tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký.

Đó là việc hình thành hạ tầng các khu dân cư mới, đường ngang dân sinh theo quy hoạch của địa phương xung quanh Trạm thu phí dẫn đến các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 1 chạy vòng tránh việc mua vé thu phí qua trạm.

"Xe đi trên quốc lộ 1 mà né trạm, doanh nghiệp thất thu, không hoàn vốn cho nhà nước, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng đồng nghĩa với việc thất thu thuế cho ngân sách tỉnh Quảng Nam", ông Hóa nói.

Điều này, theo chủ đầu tư trạm BOT là "Đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đúng như tinh thần của Thủ tướng đã nêu.