Chủ tịch Hồ Chí Minh - dấu ấn sự kiện ngày 3/2

TTXVN

(Dân trí) - - Từ ngày 3 đến 7/2/1930: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của Người về việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị đã thông qua những văn kiện chính thức của Đảng: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt... do Người khởi thảo. Các văn kiện này là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - dấu ấn sự kiện ngày 3/2 - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu).

- Ngày 3/2/1946 (mùng 2 Tết Bính Tuất): Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm "Phiên chợ 10 ngày", tổ chức tại chùa Láng (Hà Nội).

Tại đây, Người đã nói về ý nghĩa của "Ngày Nam bộ kháng chiến", biểu dương nhân dân Hà Nội đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, tham gia phong trào ủng hộ đồng bào Nam Bộ chống thực dân Pháp.

Người kêu gọi "Hãy đoàn kết muôn người như một, ra sức thực hiện khẩu hiệu "tấc đất, tấc vàng", đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chống đói và tiếp tế cho bộ đội" và chúc toàn thể nhân dân hưởng Tết độc lập đầu tiên vui vẻ hạnh phúc và tiết kiệm.

- Ngày 3/2/1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết 2 bài đăng báo Nhân dân, số 2147. 

Bài "Mùa xuân quyết thắng",  bút danh Trần Lực, nêu những công việc cần thực hiện ngay trong sản xuất nông nghiệp để giành vụ đông - xuân thắng lợi toàn diện, vượt bậc và nhắc nhở mọi người phải nhớ "kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 15 phần và quyết tâm phải 20 phần".

Bài "Phải biết chi tiêu", bút danh C.K., nói về ý nghĩa của công tác chi tiêu và phân phối vốn trong sản xuất và nhấn mạnh: tiết kiệm trong sản xuất cũng chính là yếu tố để tiết kiệm chi tiêu, giành thêm nhiều vốn cho công nghiệp hóa nước nhà.

- Ngày 3/2/1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp mặt mừng xuân Nhâm Dần của các nhà khoa học, kỹ thuật, văn nghệ sĩ, anh hùng lao động, anh hùng quân đội và các nhân sĩ.

Trong lúc trò chuyện, Người ra một vế đối: "Muốn cho xã hội đều xuân/ Nhân sĩ phải là chiến sĩ". Người giải thích "Nhân sĩ ở đây còn có ý nghĩa là bác sĩ, văn nghệ sĩ, nữ sĩ...".

- Ngày 3/2/1964: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Mừng Đảng ta 34 tuổi", bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 3598.

Bài báo mở đầu với câu thơ: "Công đức Đảng ta như biển rộng, như núi cao/ Băm tư năm ấy biết bao nhiêu tình!".

Bài báo khẳng định, nhờ chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường, Đảng ta đã phấn đấu anh dũng, thắng lợi vẻ vang và đoàn kết nhất trí. Để giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng ta đã đoàn kết phải càng đoàn kết chặt chẽ thêm, đã mạnh mẽ càng mạnh mẽ thêm. Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh.

Bài báo nêu tóm tắt 10 nhiệm vụ đảng viên được ghi trong Điều lệ do Đại hội lần thứ III thông qua và yêu cầu mỗi một chi bộ, đảng viên lấy đó mà giáo dục, tự kiểm điểm để "xứng đáng là một chi bộ tốt, một đảng viên tốt của Đảng ta - một đảng cách mạng vĩ đại".

- Ngày 3/2/1969: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", bút danh T.L, đăng  báo Nhân dân, số 5409.         

Bài báo biểu dương tinh thần hy sinh, gương mẫu, đạo đức trong sáng của cán bộ đảng viên, đồng thời kịch liệt lên án những hành vi, tư tưởng cá nhân hẹp hòi.

Người khẳng định, chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân, là bạn đồng hành của những căn bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi… làm hại đến quyền lợi của cách mạng, của nhân dân…

___________

Nguồn: TTXVN; sách "Hồ Chí Minh toàn tập", Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995; "Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử", Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, 2008, 2009.