1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Cố gắng để báo chí có đường đi thông thoáng

“Lâu nay báo chí bị quản lý theo mệnh lệnh, bị một số điều hành làm mất tự do. Báo chí sẽ có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải. Tôi sẽ cố gắng để cho báo chí có một lề đường rộng, thông thoáng hơn”, tân Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp trao đổi với báo giới.

Với việc thành lập Bộ Thông tin Truyền thông, cách thức quản lý báo chí có gì mới so với hiện nay?

 

Bộ Thông tin Truyền thông bao gồm một nửa Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) chuyển sang như mảng báo chí, xuất bản, phát hành, in ấn, kể cả thông tin cơ sở cổ động, thông tin quảng cáo. Việc tách nhập không đơn thuần là chuyển chức năng mà chính là dịp để chúng ta tổ chức lại, hoàn chỉnh các cơ chế quản lý. Về góc độ thông tin tôi nghĩ phải làm tốt 10 chữ: trung thực - dũng cảm - thận trọng - nhanh nhạy - hướng thiện. Mảng truyền thông cũng phải làm tốt 10 chữ: cơ chế - chính sách - công nghệ - cốt cán - cơ sở.

 

Tôi đang tập trung làm một số vấn đề lớn trong đó việc hoàn chỉnh và sửa đổi Luật báo chí để báo chí tự do hơn, nhưng trách nhiệm quản lý cũng tốt hơn. Thời gian tới, sẽ hình thành các tập đoàn báo chí mạnh, không rải ra rất nhiều loại hình báo chí mà không có đầu mối, một Vụ mạnh để quản lý.

 

Chúng tôi cũng sẽ hoàn chỉnh các quy chế quản lý để mỗi người trên mỗi cương vị quản lý đúng trách nhiệm của mình, ví dụ quy chế trách nhiệm của Tổng biên tập. Nếu không nêu cao trách nhiệm của Tổng biên tập thì dù Cục Báo chí có đông đến bao nhiêu cũng không làm được.

 

Nêu cao trách nhiệm Tổng biên tập có thể hiểu là để các Tổng biên tập được chủ động hơn trong việc điều hành, giảm những chỉ đạo từ cơ quan quản lý?

 

Lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh. Báo chí bị các điều hành làm cho mất tự do. Chúng ta hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải. Tôi cố gắng để cho báo chí có một lề đường đó, để các nhà báo đi vào lề đường nhưng đi rộng hơn, thông thoáng hơn..

 

Tổng biên tập là người quan trọng nhất trong một tờ báo. Theo tôi, cấp trên chỉ quản lý một người, đó là Tổng biên tập. Khi chúng ta đã chọn Tổng biên tập chính xác, vừa có chuyên môn, vừa nhaỵ cảm chính trị, bản lĩnh quản lý, khả năng nắm bắt trong nước và hội nhập quốc tế thì chắc chắn tờ báo sẽ phát triển tốt.

 

Khi thành lập bộ máy mới này, chúng tôi sẽ suy nghĩ để có thể tôn vinh các Tổng biên tập sau từng năm. Tên danh hiệu đó thì đang bàn nhưng điều đó làm cho các Tổng biên tập giỏi nhiều hơn và làm tờ báo phát triển tốt hơn. Chúng tôi sẽ làm rõ quy chế trách nhiệm của Tổng biên tập. Khi có nó rồi, họ hoàn toàn tự do trong quy chế.

 

Trong thời gian tới, sẽ có hàng loạt quy chế liên quan đến báo chí ra đời, điều này nên hiểu như thế nào khi tạo tự do hơn cho báo chí lại là mong muốn của ông?

 

"Tôi cảm thấy sự đổi mới về văn hóa của chúng ta đi chậm, thông tin của thế giới đến với chúng ta nhanh hơn, phong phú hơn là thông tin của nước ta ra bên ngoài. Công nghệ sẽ là phương tiện để đưa báo chí đi nhanh, đi xa. Quốc hội đã quyết định thành lập Bộ này cũng nhằm mục đích đó.

 

Một xã hội đưa thông tin nhanh nhạy đầy đủ sẽ tạo ra môi trường con người suy nghĩ, lựa chọn những quyết định phương án đúng nhất. Tôi chỉ sợ 2 điều: thiếu thông tin và nhiễu thông tin".

 

(Bộ trưởng Lê Doãn Hợp)

Một xã hội mà có hành lang pháp lý đầy đủ là xã hội tự do văn minh. Hiện nay do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ nên đôi khi chúng ta thiên cái này, thiên cái kia. Khi đã có quy chế đầy đủ chúng ta nhìn vào hành lang chính sách cho phép để hoạt động theo đó.

 

Đừng bao giờ nghĩ rằng quy chế nhiều có nghĩa là mất tự do. Quy chế càng nhiều bao nhiêu thì điều chỉnh hành vi tự do càng tốt bấy nhiêu. Chỉ có điều quy chế nên làm sát thực tiễn cuộc sống và cũng không phải những quy định này là từ trung ương. Tôi nghĩ đó là quy chế cho mọi người chứ không phải do áp đặt từ trên xuống.

 

Trong dự án Luật Báo chí sửa đổi tới đây, Bộ sẽ ưu tiên sửa đổi những vấn đề gì?

 

Những gì lạc hậu rồi thì phải sửa. Luật Báo chí hiện hành làm từ sớm, nên rất nhiều lĩnh vực bây giờ không bao quát được, ví dụ toàn bộ mảng thông tin liên quan đến internet trong luật khá mỏng, mà báo điện tử đang phát triển rất nhanh. Nếu không đưa ra được những định hướng thì nó sẽ hoạt động tự phát hoặc là tự do. Vì thế Luật báo chí sửa đổi theo hướng đáp ứng được yêu cầu phát triển của báo chí trong tình hình mới.

 

Sau này chúng tôi sẽ bàn đến các cơ chế thưởng các phóng viên đưa những thông tin đúng, kịp thời. Thưởng không phải là tiền mà là sự tôn vinh chính trị. Tôi nghĩ điều đó có ý nghĩa hơn nhiều, vì đó là danh dự.

 

Theo quan điểm của bộ trưởng, những yếu tố nào là quan trọng nhất với các nhà báo trong thời đại xã hội phát triển như hiện nay?

 

Quan trọng nhất của người làm báo là trung thực, khen đúng, chê đúng. Đó là sức thuyết phục cao nhất. Ai cũng có khuyết điểm, nhưng một khi tìm mọi cách bào chữa cho khuyết điểm thì đó là nguồn gốc của sai lầm, nên vấn đề đặt ra là phải chê đúng khen đúng và hướng thiện.

 

Bộ trưởng có lời khuyên gì đối với các nhà báo để họ chống tham nhũng một cách hiệu quả mà không vượt qua “ranh giới an toàn” trong công tác?

 

Các nhà báo phải là những người rất am hiểu luật lệ. Các nhà báo phải bám rất sát thực tiễn. Phải điều tra rất kỹ lưỡng và rất nhạy cảm để quyết định những quan điểm mình đề xuất.

 

Tôi xin nói thế này, chúng ta đang chuyển đổi cơ chế, có những cái có thể so với luật pháp không đúng, nhưng so với thực tiễn lại đúng và ngược lại. Vấn đề là lỗi đó xuất phát từ động cơ nào. Động cơ để làm nhanh, đi nhanh, phát triển thì khác. Giữa việc làm và luật pháp có những cái chưa sát thực tiễn thì nhà báo phải nhìn hai mặt để xem xét.

 

Theo Việt Anh

VnExpress