1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Công nghệ Nhật Bản mà khử được mùi bãi rác Nam Sơn thì tốt quá”

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Người dân nằm trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm của bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn – Hà Nội) cho biết, họ ủng hộ đề xuất thí điểm miễn phí xử lý mùi của bãi rác này bằng công nghệ Nhật Bản.

“Công nghệ Nhật Bản mà khử được mùi bãi rác Nam Sơn thì tốt quá” - 1

Toàn cảnh bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội).

Như Dân trí đã đưa tin, mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE) - đơn vị đã từng thí điểm làm sạch sông Tô Lịch đã gửi công văn tới UBND TP để đề xuất tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) bằng công nghệ Nhật Bản. Đề xuất nhằm giúp những người dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng của bãi rác nói riêng và giúp cho Thủ đô Hà Nội nói chung giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.

“Công nghệ Nhật Bản mà khử được mùi bãi rác Nam Sơn thì tốt quá”

Liên quan đến đề xuất trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Hộ (nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn) ở thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) chính thức đi vào hoạt động từ năm 1999. Giai đoạn từ năm 1999-2005, lượng rác về ít nên ô nhiễm chưa nhiều. Còn từ năm 2005 đến nay, tình hình ô nhiễm từ bãi rác Nam Sơn tăng dần.

“Công nghệ Nhật Bản mà khử được mùi bãi rác Nam Sơn thì tốt quá” - 2

Ông Lê Văn Hộ cho biết, hiện ông cũng đang mắc căn bệnh ung thư.

“Nhiều khi mùi hôi thối từ bãi rác Nam Sơn khiến chúng tôi không thể chịu đựng được. Ô nhiễm nên xuất hiện ruồi, muỗi nhiều. Có thời điểm chúng tôi phải mắc màn ngồi ăn cơm vì ruồi nhiều quá, mùa hè nhiều khi người dân phải đắp chăn kín đầu vì mùi hôi thối quá, không chịu được”, ông Hộ chia sẻ.

Cũng theo ông Hộ, nhiều thời điểm bãi rác ô nhiễm quá người dân không chịu được buộc phải ra đường chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. Sau đó, bãi rác Nam Sơn lại khắc phục, mùi hôi thối đỡ đi thì dân lại về. Từ năm 2005 đến nay, có đến 14-15 lần người dân ra đường chặn xe rác như vậy.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Bình Chăm (84 tuổi) ở cùng địa chỉ với nhà ông Hộ, cách bãi rác Nam Sơn vài trăm mét chia sẻ: Hiện con, cháu ông đã sơ tán đi nơi khác ở vì không chịu đựng được ô nhiễm của bãi rác Nam Sơn. Hiện chỉ có vợ chồng ông bám trụ ở lại ngôi nhà rộng thênh thang.

“Công nghệ Nhật Bản mà khử được mùi bãi rác Nam Sơn thì tốt quá” - 3

Ông Nguyễn Bình Chăm mong muốn sớm có công nghệ khử được mùi hôi thối từ bãi rác Nam Sơn.

“Ở đây khổ lắm, thối không ngửi được, xuất hiện rất nhiều ruồi, muỗi. Ô nhiễm đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, nhất là người già và trẻ con. Ô nhiễm khiến bệnh phổi như của tôi khổ lắm, một tháng tôi đi Bệnh viện phổi Trung ương 1-2 lần. Bệnh phổi của tôi gay lắm, cứ về đến nhà là sặc mùi, nhưng khi đi đến Đông Anh (Hà Nội) lại đỡ. Cả xóm này đến 1/2 người bị bệnh phổi như tôi”, ông Chăm chia sẻ.

Nói về đề xuất thí điểm miễn phí khử mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản như đề cập ở trên, ông Hộ cho biết, nếu công nghệ Nhật Bản mà khử được mùi hôi thối từ bãi rác Nam Sơn thì người dân địa phương rất ủng hộ. Bởi không chỉ ô nhiễm tại khu vực ông Hộ sinh sống, mà cách đó 2-3km người dân vẫn cảm nhận được mùi hôi thối từ bãi rác này.

Cùng mong muốn như ông Hộ, ông Chăm cho biết: “Nếu công nghệ Nhật Bản mà khử được mùi bãi rác này thì tốt quá, chúng tôi rất phấn khởi. Dân chúng tôi đang mong làm sao có công nghệ khử được mùi hôi thối của bãi rác Nam Sơn”.

Theo nội dung đề xuất, phương án xử lý sẽ gồm 2 công đoạn. Đầu tiên sử dụng công nghệ sục khí Nano với công suất lớn gấp 5 lần máy đã lắp đặt thí điểm tại sông Tô Lịch, lắp đặt trực tiếp vào các ô chứa nước rỉ rác, hồ sinh học để phân hủy tận gốc các khí gây ra mùi hôi thối.

Tiếp theo, các kỹ sư sẽ áp dụng tổng hợp việc phun rải nước nano cùng vật liệu Bio lên khu bãi chôn lấp để phân hủy các chất hữu cơ, khí độc gây ra mùi hôi thối. Các làm này được cho là có hiệu quả lâu dài, bền vững và thân thiện với môi trường do không phải sử dụng hóa chất.

Chi tiết về giải pháp sẽ được đơn vị đề xuất báo cáo trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố và các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan