1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Công trình vừa làm xong đã hỏng: Do nghiệm thu bằng... tiền?!

(Dân trí) - Tại dự án giao thông vừa làm xong đã hỏng, các chủ đầu tư khăng khăng tất cả đều đúng quy trình, nguyên nhân là do xe quá tải và thời tiết. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định công trình hỏng là do lỗi con người.

Cuộc họp được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng triệu tập gấp vào hôm 3/6, đề cập đến nhiều vấn đề nóng trong hoạt động quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông. Thậm chí, vị Bộ trưởng này còn quyết “ngay tại trận” việc đuổi vĩnh viễn đơn vị tư vấn giám sát, không cho tham gia các dự án giao thông, dọa chuyển việc người đứng đầu các đơn vị có liên quan…

“Đường không phải để chạy trong nhà”

Tại cuộc họp, chủ đầu tư các dự án, điển hình là Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long và Dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn Vinh- Hà Tĩnh và tuyến tránh Vinh, đều một mực khẳng định đã làm đúng quy trình, quy chuẩn và được giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu. Vậy nhưng đường vừa làm xong đã... lún, hằn vệt bánh xe.

Nguyên nhân bước đầu được các chủ đầu tư cho là do xe quá tải, tiêu chuẩn nhựa theo tiêu chuẩn Việt Nam đã lỗi thời và thời tiết, việc xác định nguyên nhân cụ thể phải chờ kết quả kiểm định. Tuy nhiên, các cố vấn và chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) đã bác bỏ và khẳng định nguyên nhân chắc chắn là do yếu tố con người.

Theo TS.Trịnh Xuân Cường - cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT: “Đường phải chịu được thời tiết, chứ không phải là đường để chạy trong nhà. Một số chỗ hỏng khi khoan ra thí nghiệm, kiểm định cho thấy là do chất lượng không đảm bảo chứ không phải do nhựa, do quy trình như các anh nói. Nếu do nhựa thì phải cả vệt chứ không phải một vài chỗ được. Nguyên nhân là do con người”.

Quốc lộ 1A mở rộng, đoạn Vinh - Hà Tĩnh bị lún và hằn vệt bánh xe 
Quốc lộ 1A mở rộng, đoạn Vinh - Hà Tĩnh bị lún và hằn vệt bánh xe 

Đồng quan điểm với ông Cường, PGS.TS Trần Đắc Sử - Hiệu trưởng trường Đại học GTVT - cũng khẳng định công trình kém chất lượng thì vấn đề mấu chốt là yếu tố con người. “Phải xem xét lại kết cấu, nhựa bề mặt đường. Nhưng yếu tố con người, nếu không tăng cường giám sát, quản lý thì không thể đảm bảo chất lượng” - ông Sử nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, các nguyên nhân đưa ra đều đúng nhưng đều do yếu tố con người. Việc khoan kiểm tra đều thấy chất lượng không đảm bảo, nhưng nếu hỏng do tiêu chuẩn thì trong điều kiện nhựa, thời tiết, chất lượng như nhau thì phải hỏng hết, tạo vệt bánh xe trên toàn bộ tuyến đường chứ không phải một vài chỗ như hiện trạng. Trong khi đó, chỉ có thể kiểm soát được chỉ số thí nghiệm ban đầu của mẫu bê tông nhựa, còn khi thi công đại trà rất khó kiểm soát các khâu, chất lượng không còn như mẫu đưa đi thí nghiệm vì chưa kiểm soát được chất lượng trên hệ thống.

Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình vừa làm xong đã hỏng không phải là điều gì "bí hiểm". Ở góc độ chuyên môn kỹ thuật, không khó để nhận ra là do kiểm soát chất lượng thi công hiện trường. Bằng chứng là tại Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long, cả 4/4 mẫu kiểm định đều cho kết quả là có vấn đề, có mẫu thậm chí không có thành phần bột đá. Ở đây, vấn đề là các đơn vị thực hiện dự án nhìn nhận như thế nào và chịu trách nhiệm ra sao.

Nghiệm thu bằng… tiền?!

Trong thi công công trình, Tư vấn giám sát (TVGS) đóng vai trò rất quan trọng, sự có mặt của TVGS nhằm kiểm soát chất lượng công trình và nghiệm thu các giai đoạn thi công đảm bảo chất lượng tốt. Tuy nhiên, có một thực tế là đội ngũ TVGS trong nước hiện nay lại đang cố tình tạo ra tiêu cực.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, tại các dự án nếu TVGS là của nước ngoài thì công việc rất nghiêm túc và chất lượng công trình rất cao, nhưng nếu là TVGS Việt Nam thì vấn đề tiêu cực lại là số 1. Thậm chí, tư vấn còn đòi tiền nhà thầu, nếu không có tiền thì không ký văn bản nghiệm thu, mà khi đã đưa và nhận tiền rồi thì đương nhiên công việc không cần phải làm tốt nữa.

Nhấn mạnh đến công tác quản lý dự án, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường thẳn thắn nói về chất lượng TVGS: “TVGS trong nước có nhiều bất cập, gần như là có thái độ theo chủ đầu tư và bị chủ đầu tư ràng buộc. Trong khi đó, TVGS nước ngoài không chịu áp lực gì nên họ làm rất nghiêm túc, họ giám sát thi công nghiêm ngặt và kiểm tra vật liệu rất kỹ càng, ở các công trình có TVGS nước ngoài thì đều có chất lượng rất tốt”.

“Công tác quản lý cần phải xem xét lại và tách bạch các vấn đề. Trong đó, quy trình nghiệm thu phải chặt chẽ. Thực tế cho thấy, đáng lẽ tất cả phải có hồ sơ nghiệm thu từ cấp thấp nhất đến cao nhất cùng ký thì mới được chuyển tiếp thi công, thế nhưng ở các dự án BOT thì bỏ hết cả quy trình, có thể hôm nay vừa làm subbase (cấp phối đá dăm) thì ngày mai đã thảm nhựa luôn mà không có nghiệm thu gì cả, như vậy thì làm gì có chất lượng.” - Thứ trưởng Trường cho hay.

Trước tình hình hư hỏng công trình như hiện nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho rằng nếu không xử lý được thì sau này thành thảm họa. Bởi nếu quốc lộ 1 mở rộng xong toàn tuyến mà bị hai vệt bánh xe như thế thì vô phương cứu chữa và rất nguy hiểm.

Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho rằng, công trình có vấn đề là do con người. Và dù chưa có kết quả kiểm nghiệm chính thức về nguyên nhân khiến ở Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long bị hư hỏng, nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “hạ chỉ” đuổi vĩnh viễn đơn vị TVGS, Bộ trưởng cấm đơn vị TVGS này không được tham gia bất kỳ dự án giao thông nào.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh quan điểm không đẩy nhanh tiến độ để làm hỏng chất lượng, không hi sinh chất lượng để lấy tiến độ. Bộ trưởng cũng khẳng định không thể chấp nhận TVGS đòi tiền của nhà thầu, đòi tiền mới nghiệm thu thì công trình không thể tốt được.

“Sai phạm xảy ra sẽ xử lý người đứng đầu, không làm được thì phải thay” - Bộ trưởng Đinh La Thăng kiên quyết.

Châu Như Quỳnh