Đại biểu Quốc hội đề xuất phạt tiền người trúng đấu giá bỏ cọc

Hoài Thu

(Dân trí) - Dẫn chứng việc một cá nhân trúng đấu giá biển số 51K-888.88 với giá 32 tỷ, hay một công ty chấp nhận bỏ cọc gần 600 tỷ sau khi đấu giá đất Thủ Thiêm, ĐBQH đề nghị phạt tiền hành vi bỏ cọc.

Nội dung này được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập khi thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, chiều 8/11.

Đề nghị xem xét, bổ sung quy định xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Phó Bí thư Thường trực Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu thực tiễn vừa qua, xảy ra trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc, không nộp tiền để nhận tài sản trúng đấu giá, đặc biệt là đối với các tài sản có giá trị rất lớn như biển số xe đẹp và bất động sản.

Đại biểu Quốc hội đề xuất phạt tiền người trúng đấu giá bỏ cọc - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Hồng Phong).

Nữ đại biểu dẫn hai vụ việc điển hình để minh chứng cho thực trạng này. Đầu tiên là trường hợp một cá nhân ở TPHCM trúng đấu giá biển số xe 51K-888.88 với giá trên 32 tỷ đồng nhưng không nộp tiền trúng đấu giá, chịu mất 40 triệu đồng tiền đặt cọc.

Hai là việc Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt (đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng tiền đặt cọc.

Bà Yến cho biết theo quy định hiện hành, người đấu giá có quyền bỏ cọc và hiện chưa có chế tài về vấn đề này. Luật chỉ quy định người đã trúng đấu giá mà không đóng tiền thì mất tiền đặt cọc.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, nữ đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung quy định các tài sản do Nhà nước quản lý khi đấu giá, không được bỏ cọc. "Nếu có người bỏ cọc, cần bổ sung, điều chỉnh sửa chế tài về hành vi này, có biện pháp phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc để tránh đấu giá thành công rồi bỏ cọc", đại biểu Yến góp ý.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thì cho rằng, nếu người đấu giá chứng minh được yếu tố bất khả kháng dẫn đến bỏ đấu giá, như mất tài sản, lũ lụt, gặp tai nạn thì có thể được chấp nhận và không bị xử lý. Còn không, nên cấm người đó đấu giá tài sản trong một khoảng thời gian nếu có hành vi bỏ cọc.

Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Hải băn khoăn khi bản dự thảo luật trước kia có chế tài về việc bỏ đấu giá, nhưng đến nay lại không còn. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc này.

Đại biểu Quốc hội đề xuất phạt tiền người trúng đấu giá bỏ cọc - 2

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (Ảnh: Phạm Thắng).

Phó trưởng ban Công tác Đại biểu Tạ Thị Yên cũng phản ánh thực tế vừa qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo nhằm thu lợi.  

Bà đồng tình khi dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng: Quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.

Từ thực tế, nữ đại biểu cho rằng khi hành vi của chủ thể trong diễn biến của các phiên đấu giá cho thấy sự không bình thường, hoặc quá vô lý, cần có quy định hoãn hoặc dừng phiên đấu giá để phân tích, đánh giá tình hình.

Ngoài ra, bà Yên đề nghị lưu tâm đến điều kiện đăng ký tham gia đấu giá, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá.

Theo vị đại biểu, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá thì không đủ để ngăn chặn những hành vi mang tính chất thao túng thị trường, đầu cơ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, nên cần có một giải pháp mang tính tổng thể hơn đối với các chính sách về tín dụng, đất đai, doanh nghiệp và đấu giá tài sản.