1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Hà Nội:

Dân bán tháo lợn chớm mắc dịch tai xanh

(Dân trí) - Kể từ đầu tháng 4, ở huyện Phú Xuyên xuất hiện hiện tượng lợn ốm, bỏ ăn, phát ban, sốt và nhiều trường hợp dẫn đến chết. Trước khi Chi cục thú y xác định lợn bị ốm chết là do dịch tai xanh thì nhiều người chăn nuôi đã kịp bán tháo lợn.

Dân bán tháo lợn chớm mắc dịch tai xanh - 1
Công tác phun độc, khử trùng đang được chính quyền địa phương nhanh chóng tiến hành (ảnh: Phan Anh).
 
Theo phản ánh của người dân trong huyện Phú Xuyên, lợn ở nhiều hộ chăn nuôi tại đây có biểu hiện ban đầu là bỏ ăn, sốt phát ban, táo bón và sau một thời gian (nhanh nhất 24 giờ) có thể chết. Nhiều người chăn nuôi do lo lắng đã bán “tháo” lợn với giá rẻ và nhiều người dân trong huyện cũng không dám ăn thịt lợn nhiều ngày qua.
 
Trước phản ánh trên, chúng tôi đã tìm gặp ông Phùng Văn Tảo, Trạm trưởng trạm thú y huyện Phú Xuyên. Ông Tảo cho biết, dịch bệnh ở lợn xuất hiện từ đầu tháng 4. Trạm thú y huyện Phú Xuyên cũng đã ra công văn chỉ đạo các xã trong huyện, hướng dẫn phun thuốc phòng chống dịch. Cũng theo ông Tảo, cho đến nay về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh.
 
Trong khi đó, tại xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên), Phó Chủ tịch UBND, kiêm trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch xã, ông Lê Xuân Túc cho biết, lợn ở hầu hết hộ chăn nuôi (với khoảng 400 con) có biểu hiện như trên nhưng ông khẳng định lợn chết chưa nhiều, bởi phần đa người dân đã “bán chạy” khi lợn chớm có bệnh.
 
Dân bán tháo lợn chớm mắc dịch tai xanh - 2
Phòng ngừa và dập tắt nguồn dịch bệnh đang được tiến hành khẩn trương (ảnh: Phan Anh).
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Chu Phú Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, ngay khi nhận được thông tin trên địa bàn xảy ra hiện tượng lợn bị mắc bệnh, chúng tôi đã yêu cầu Phòng Thú y của huyện, chính quyền địa phương khoanh vùng dịch bệnh và phun độc khử trùng. Đồng thời lãnh đạo huyện đã có công văn gửi Chi cục Thú y thành phố cử cán bộ y tế về xác định dịch bệnh.
 
Bước đầu Chi cục thú y xác định lợn bị ốm chết là do dịch tai xanh. Hiện nay, tính trên địa bàn huyện Phú Xuyên có 3 xã liền nhau là Nam Phong, Hồng Thái, Nam Triều có lợn bị nhiễm bệnh và có khoảng chục con đã chết vì dịch. Còn đa số người dân trước đó hoang mang lo sợ đã bán tống bán tháo lợn đi nơi khác.
 
Để tránh lây lan nguồn bệnh sang các địa phương khác, lãnh đạo huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các địa phương, bà con nhân dân tuyệt đối không được buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm ra khỏi địa bàn.
 
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 24/4, cả nước có 6 tỉnh là Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Phòng có dịch Tai xanh chưa qua 21 ngày.
 
Phan Anh - Hồng Ngân