Đạo đức nghề báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Xuân Hải

(Dân trí) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá. Trong đó, có quan điểm, tư tưởng về đạo đức nghề báo.

Đạo đức nghề báo là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần to lớn vào việc định hướng và đào tạo cho các thế hệ nhà báo Việt Nam đủ đức và tài, trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo.

Đạo đức nghề báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh - 1

Bác Hồ đọc báo Nhân dân (Ảnh tư liệu).

Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Vì thế, báo chí phải mang tính trung thực, phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân, tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa, lành mạnh của nhân dân… Để làm được điều đó, nhà báo phải là người có đủ các tiêu chuẩn chính trị, văn hóa đạo đức và nghiệp vụ báo chí.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuộc nói chuyện với học sinh, đã dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Tài và đức là hai mặt bổ sung chặt chẽ cho nhau, có cả đức lẫn tài con người mới trở nên hoàn thiện. Chiếu sang nghề báo, cùng với nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp được khẳng định như nền tảng, xương sống, rường cột đảm bảo cho sự phát triển của một cơ quan báo chí nói riêng và cả một nền báo chí nói chung.

Trong cuộc đời 60 năm viết báo, làm báo của mình, nhà báo kiệt xuất Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tạo dựng nên một phong cách, một tấm gương đạo đức sáng ngời cho những người chiến sĩ cầm bút đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, định hình nên những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo Việt Nam. Đạo đức nghề báo là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo.

Tư tưởng về đạo đức nghề báo của Hồ Chí Minh thể hiện ở 7 nội dung chủ yếu sau:

1. Đạo đức cách mạng, đạo đức nghề báo là cái gốc của nhà báo;

2. Những người làm báo phải có lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân;

3. Những người làm báo phải luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân;

4. Những người làm báo phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân;

5. Những người làm báo phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật;

6. Những người làm báo phải chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức và học tập suốt đời;

7. Những người làm báo phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình.

Để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt là một phần đạo đức xã hội, đạo đức nghề báo, góp phần hình thành nên quy tắc tác nghiệp trong nghề báo; và ngược lại, quy tắc nghề nghiệp cũng sẽ góp phần xây dựng đạo đức nghề báo. Và để hướng tới mục đích chung là phục vụ độc giả, mang lại cho bạn đọc những tin tức trung thực nhất, nhanh nhất và bổ ích nhất.

Có thể khẳng định rằng, trong quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam tựu trung lại có hai điều cơ bản, đó là: Lương tâm và Trách nhiệm. Có những thông tin dù pháp luật không cấm đưa lên báo nhưng với lương tâm và trách nhiệm người làm báo cũng không được phép đưa. "Bởi, nếu đưa lên báo có thể làm tổn hại đến người khác, nhất là những chuyện về đời sống riêng tư".

Trong thời đại thông tin bùng nổ, đa số người làm báo chúng ta và các tờ báo đều đang nỗ lực tôi luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và có trách nhiệm với mỗi sản phẩm báo chí do mình sáng tạo ra, thực hiện chức năng của báo chí là thông tin và định hướng dư luận xã hội.

Nhà báo phải biết xử lý thông tin, thẩm định thông tin và truyền tải tới công chúng những thông tin có trách nhiệm. Các thông tin sai trái trên mạng xã hội cần được xác minh, phản biện công khai và kịp thời. Đồng thời, trong quá trình phản ánh hiện thực xã hội, báo chí và người làm báo cần chú trọng về tính nhân văn, đó cũng là trách nhiệm với xã hội, phải đứng bên con người, giúp con người tin và hướng về những điều tích cực hơn, làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Những người làm báo chân chính, tài năng cần phải thực hiện nhiệm vụ bằng trách nhiệm, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, để giữ vững niềm tin và là nơi "neo đậu" niềm tin của xã hội. Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, tôi vẫn luôn ghi nhớ và tâm đắc về lời của bậc tiền nhân - cố nhà báo Hữu Thọ: "Nhà báo cần phải có "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc". Nghĩa là phải có bản lĩnh, đạo đức và lương tâm, phải trung thực, có tinh thần đấu tranh và năng lực nghề nghiệp".

 Hiện nay, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội đã tạo ra nguồn cung cấp thông tin ban đầu hiệu quả nhưng cũng là một cái bẫy, nổi bật là vấn nạn về tin giả. Không ít tờ báo và các nhà báo, phóng viên trong thời gian qua đã vấp phải rủi ro khi khai thác thông tin một cách thiếu suy xét. Để tránh khỏi những rủi ro như vậy, các nhà báo không có cách nào khác là phải chủ động trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh, kiến thức, mà đặc biệt là kiến thức nền để tỉnh táo trước các luồng thông tin, đồng thời sử dụng hiệu quả những công cụ tiên tiến nhằm đảm bảo tiến độ cập nhật.

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất đối với báo chí trong cuộc cạnh tranh tốc độ với mạng xã hội, là đồng thời phải đạt được độ chính xác tuyệt đối và lượng thông tin truyền tải phong phú. Trong cuộc đua tranh ấy, đáng tiếc thay báo chí hiện nay đang có phần yếu thế. Khi thông tin được người ta tiếp nhận rất nhanh qua các nguồn khác, vai trò báo chí phần nào lu mờ trong xã hội.

Trong bối cảnh ấy, báo chí muốn khẳng định mình, sẽ phải chứng minh được rằng "tin của nhà báo thì khác tin trên mạng xã hội", không phải bằng việc làm khác đi sự thật, né tránh sự thật, mà là một sự thật đã được kiểm chứng và có lợi cho xã hội, cho đất nước.

Nhà báo không phải chỉ là người dùng công cụ để đưa tin mà nhà báo là người biết xử lý thông tin, thẩm định thông tin, truyền tới công chúng những thông tin có trách nhiệm. Như thế, tin của báo chí mới khác tin trên mạng xã hội ở chỗ phải có trách nhiệm của tòa soạn báo, của nhà báo trong mỗi dòng tin.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Theo đánh giá của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, chỉ tính riêng trong thời gian sau hơn 1 năm triển khai Chỉ thị 05, nhìn chung đã đạt được một số kết quả bước đầu, trong đó có vai trò, sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Thực hiện quy định của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Chỉ thị 120/CT-HNB ngày 10/4/2017 của Hội Nhà báo Việt Nam về tổ chức học tập, thực hiện 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam là:

Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật; Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Để tiếp tục nâng cao đạo đức nghề báo trong việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, thiết nghĩ chúng ta cần phải tập trung vào những giải pháp sau:

Trước hết, trong thời gian tới, chi ủy chi bộ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực nhiệm vụ chuyên môn của báo.

Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên trong chi bộ phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để có đủ năng lực, kinh nghiệm làm việc một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Thứ ba, mỗi cán bộ đảng viên chúng ta là những người làm báo cách mạng cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, khiêm tốn cầu tiến bộ.

Thứ tư, chi bộ cần tăng cường quản lý, bồi dưỡng, đào tạo phóng viên không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp; xem đây là công việc thường xuyên, lâu dài.

Có thể khẳng định rằng, tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn đối với việc giáo dục đạo đức nghề cho đội ngũ những người làm báo của chúng ta hiện nay. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là niềm vinh dự mà còn là niềm tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam.