1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Dạy học sinh bằng... nắm đấm

Tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp), nhiều học sinh và phụ huynh rất bức xúc trước hành động dạy học trò bằng nắm đấm của thầy Lê Thành Lưu - giáo viên môn văn của Trường THCS Tân Nhuận Đông.

Điều đáng nói ở đây là tất cả những lỗi nho nhỏ của học sinh, như bỏ quên vở, không hiểu được chữ viết tắt trên bảng, nói chuyện riêng... đều được thầy “trả đũa” bằng nắm đấm. Chỉ tính riêng lớp 8A6, đã có 5 học sinh là nạn nhân của kiểu dạy này và đã có học sinh bị ngất vì bị thầy đánh tới tấp.

 

Em Nguyễn Hà Băng Sơn (sinh năm 1993, học sinh lớp 8A6) kể lại: “Trong giờ học môn văn ngày 26/2, vì để quên tập ở nhà, nên em chép bài vào tập nháp. Khi phát hiện, thầy Lưu một tay nắm tai em, tay còn lại tát mạnh vào đầu”. Cú đánh trời giáng này làm Sơn choáng váng, gục xuống bàn, nhưng thầy Lưu vẫn tiếp tục đánh bồi thêm vào vùng ót rồi trở lên bục giảng tiếp tục dạy bỏ mặc Sơn nằm rũ rượi trên bàn.

 

Sau đó, Sơn được 2 bạn đưa lên phòng y tế của trường, được cho uống thuốc, Sơn nằm lại đến đầu tiết thứ 5 mới ngồi dậy nổi để trở về lớp học tiếp môn sinh vật.

 

Sau khi phát hiện nhiều học trò bị thầy Lưu dạy bằng nắm đấm, một số phụ huynh đã báo cáo lên Ban giám hiệu nhà trường, Phòng GD&ĐT, nhưng hơn tháng nay vẫn chưa được hồi âm, ngoại trừ lời xin lỗi mang tính cá nhân của Trưởng phòng GD&ĐT Huỳnh Hoàng Chung.

 

“Vẫn có sự bao che cho tệ ngược đãi học sinh”

 

Ông Nguyễn Trung Vinh - Phó Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Đồng Tháp - nhận xét như vậy khi trao đổi về nguyên nhân hình thành và tồn tại của tình trạng giáo viên ngược đãi, bạo hành học sinh trên địa bàn tỉnh.

 

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, tại nhiều địa phương Đồng Tháp đã xảy ra khá nhiều trường hợp giáo viên ngược đãi bằng nhục hình và hành vi thô bạo đối với học sinh, theo ông, đây có phải là tình trạng phổ biến?

 

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện khá nhiều tình trạng giáo viên đã hành xử với học trò của mình theo kiểu không sư phạm, thiếu khoa học là có thật. Điều đáng nói ở đây là chuyện phản giáo dục này không chỉ diễn ra ở vùng xa mà ngay tại TP Cao Lãnh có giáo viên THCS dùng băng keo dán miệng học trò, dùng kéo xén tóc học sinh.

 

Theo ông, có phải vì giáo viên thiếu hiểu biết?

 

Nói thiếu hiểu biết thì chưa đúng, vì trong chương trình đào tạo sư phạm đều cơ cấu thời lượng thoả đáng để học về Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cũng như tâm lý sư phạm và phương pháp sư phạm... Nói chung là trang bị khá đầy đủ hành trang để giáo viên hành xử một cách khoa học với học sinh.

 

Thế nhưng tại sao trên thực tế, vẫn có nhiều giáo viên dạy học sinh bằng nắm đấm?

 

Tại năng lực tiếp thu. Tuy nhiên, cội nguồn của vấn đề chính là do không làm tốt khâu quản lý. Khi xảy ra sự việc, vì thành tích mà nhiều trường đã cố tình bưng bít thông tin với dư luận xã hội với ngành cấp trên. Điều đáng lo hơn là nhiều trường lại có biểu hiện bao che trong khâu xử lý như áp dụng mức kỷ luật nhẹ so với sai phạm và việc xử lý thường diễn ra trong bối cảnh “nội bộ” nên chưa tạo được sự răn đe người sai phạm. Thậm chí khi ngành cấp trên chỉ đạo các trường vẫn chậm giải quyết báo cáo kết quả.

 

Theo ông, liệu có thể cải thiện được tình trạng này?

 

Cải thiện hành xử phản giáo dục không chỉ là bức xúc đối với lãnh đạo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, mà còn là đòi hỏi của toàn dân. Tuy nhiên, không thể giải quyết dứt điểm vấn đề này trong một sớm một chiều.  Trong khi đó, nhiều gia đình lại khoán trắng việc rèn luyện đạo đức tác phong của con em mình cho nhà trường... Vì vậy, để cải thiện được thực trạng trên, bên cạnh nỗ lực của ngành, địa phương rất cần sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh.

 

Theo L. T

Lao Động