1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Đề xuất 2 trường hợp giải thể Quỹ phát triển đất

Thế Kha

(Dân trí) - UBND cấp tỉnh giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển đất. Quỹ bị giải thể nếu hoạt động không hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp hoặc không cần thiết phải duy trì.

Hồ sơ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất vừa được Bộ Tài chính gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo dự thảo, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Quỹ phát triển đất sau khi được HĐND cùng cấp thông qua.

Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc UBND cấp tỉnh, có vốn điều lệ, hoạt động độc lập với ngân sách Nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn.

Dự thảo đề xuất Hội đồng quản lý Quỹ có tối đa 7 thành viên, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý (lãnh đạo UBND cấp tỉnh), tối đa 2 Phó chủ tịch Hội đồng quản lý và các thành viên khác (phải có lãnh đạo Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Quỹ).

"Thành viên của Hội đồng quản lý không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh chị em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của các thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng Quỹ và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng", dự thảo nêu rõ.

Đề xuất 2 trường hợp giải thể Quỹ phát triển đất - 1

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Quỹ phát triển đất sau khi được HĐND cùng cấp thông qua (Ảnh: Ngọc Tân).

Theo dự thảo, Hội đồng quản lý quyết định các vấn đề theo nguyên tắc đa số. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản lý có hiệu lực khi trên 50% trong tổng số thành viên Hội đồng quản lý biểu quyết hoặc lấy ý kiến bằng văn bản có ý kiến tán thành.

Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ phát triển đất.

Vốn huy động hợp pháp khác cho Quỹ này có thể bao gồm: Vốn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước theo chương trình hoặc dự án viện trợ, tài trợ.

Dự thảo nghị định đề xuất vốn hoạt động của Quỹ được sử dụng để ứng vốn cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng trên quỹ đất đã được giao; ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số hoặc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…

Quỹ phát triển đất bị giải thể khi thuộc một trong hai trường hợp.

Thứ nhất, Quỹ hoạt động không hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp theo đánh giá của UBND cấp tỉnh.

Thứ hai, không cần thiết phải duy trì Quỹ phát triển đất theo đánh giá của UBND cấp tỉnh.

Việc giải thể Quỹ phát triển đất được thực hiện theo quy định áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoặc Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn.

Rà soát Quỹ phát triển đất hiện có

Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ phát triển đất. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị UBND cấp tỉnh phải rà soát đối với Quỹ hiện có tại thời điểm nghị định này có hiệu lực.

Trường hợp cơ cấu tổ chức, điều lệ, hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của Quỹ chưa phù hợp với nghị định của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị kiện toàn, sửa đổi, bổ sung ngay.