DNews

Đêm giao thừa "ngoài đường" của những chiến sĩ CSGT Hà Nội

Trần Thanh

(Dân trí) - Hàng chục năm làm nhiệm vụ, phải đón giao thừa ngoài đường, những chiến sĩ CSGT coi đó là công việc hàng ngày. Họ thầm lặng hy sinh hạnh phúc riêng, để đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân.

Đêm giao thừa "ngoài đường" của những chiến sĩ CSGT Hà Nội

Đêm giao thừa là thời khắc thiêng liêng để mọi người sum vầy, cùng đón năm mới bên gia đình, nhưng với những chiến sĩ CSGT, đây lại là thời gian họ làm nhiệm vụ, thầm lặng hy sinh hạnh phúc riêng, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần mang cái Tết bình yên đến với mọi người, mọi nhà.

Đêm giao thừa ngoài đường của những chiến sĩ CSGT Hà Nội - 1

Lực lượng CSGT Thủ đô căng mình làm nhiệm vụ trong những ngày cận Tết (Ảnh: N.T).

Hậu phương vững chắc

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, Đại úy Đặng Văn Trường, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), cho biết, đến thời điểm hiện tại anh đã có 22 năm công tác trong ngành, cả 22 năm đó anh đều không có mặt ở nhà vào đêm giao thừa.

Đêm giao thừa ngoài đường của những chiến sĩ CSGT Hà Nội - 2

Đại úy Đặng Văn Trường, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ phân luồng giao thông (Ảnh: Trần Thanh).

Trong thời khắc đó, anh và đồng đội đang làm nhiệm vụ hướng dẫn phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho nhân dân đi lại thông suốt. Đại úy Trường mở đầu câu chuyện và cho hay, Tết với lực lượng CSGT Thủ đô nói riêng và lực lượng CAND nói chung, hầu như 100% các cán bộ chiến sĩ đều phải trực quân số, làm nhiệm vụ đầy đủ trong đêm giao thừa.

Đây là nhiệm vụ, cũng là sứ mệnh mà các anh phải làm để người dân có một cái Tết an toàn, an lành đúng nghĩa.

Lập gia đình cách đây 9 năm, tới nay anh Trường đã có 2 người con. Những ngày cận Tết, vợ anh đều tự đưa 2 con về quê vì anh bận làm nhiệm vụ. Trong những đêm giao thừa vắng bố, các con của anh Trường đều gọi điện, động viên bố.

Đêm giao thừa ngoài đường của những chiến sĩ CSGT Hà Nội - 3

Sau những ca trực vất vả, niềm vui của Đại úy Đặng Văn Trường là gọi điện thoại về cho gia đình, vợ con (Ảnh: Trần Thanh).

"Cũng như bao người khác, trong một, hai năm đầu, vợ tôi cũng có chút bỡ ngỡ, có chút cảm thấy thiệt thòi so với người khác khi chồng mình đều đi quá giao thừa, thậm chí đi qua mùng 1, mùng 2 Tết mới về nhà. Nhưng sau đó, vợ tôi cũng dần quen, chia sẻ với những vất vả của chồng và đồng nghiệp, thậm chí còn thấy thương chồng nhiều hơn", anh Trường bộc bạch.

Theo anh Trường, người vợ cần một bờ vai của chồng, cũng như bố mẹ mong muốn có một bữa cơm tất niên với đầy đủ các thành viên gia đình. Đó là điều tất nhiên của cuộc sống, của quy luật tình cảm, thế nhưng với anh và các đồng đội, gần như 100% ngày Tết đều vắng nhà, mà nếu có về thì cũng chỉ tranh thủ, chớp nhoáng rồi lại nhanh chóng quay trở lại đơn vị để thực hiện nhiệm vụ.

Đêm giao thừa ngoài đường của những chiến sĩ CSGT Hà Nội - 4

Đại úy Đặng Văn Trường cho biết, đến thời điểm hiện tại anh đã có 22 năm công tác trong ngành, thì cả 22 năm đó anh đều không có mặt ở nhà vào đêm giao thừa (Ảnh: Trần Thanh).

"Cũng có những lúc tôi cảm thấy thương vợ, thương con, nhưng chính những lúc ấy gia đình lại động viên, vợ ủng hộ, các con quan tâm tới công việc của mình, lại làm tôi có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi cũng luôn tự hào về công việc của mình, của người chiến sĩ CAND luôn hết lòng phục vụ nhân dân", Trung úy Trường chia sẻ.

Đại úy Trường cho biết thêm, sau thời khắc giao thừa, cảm nhận được sự quan tâm của người thân, những tuyến đường thông suốt, an toàn, những lời thăm hỏi, chúc mừng năm mới của người dân đến lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, anh cùng đồng đội lại cảm thấy có thêm động lực, phấn khởi và biết rằng công việc của mình và đồng đội có ý nghĩa hơn.

Luôn sẵn sàng vì nhiệm vụ

Cũng như Đại úy Trường, Thượng úy Phùng Văn Lộc, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết, anh vào ngành đã được 12 năm, thì cũng chừng đó thời gian anh không có mặt ở nhà trong đêm giao thừa.

"Nhà tôi có hai anh em, nhưng anh trai lại lấy vợ và lập nghiệp trong Bình Dương, ngoài này có mỗi 2 ông bà ở với nhau. Tôi cũng mới lập gia đình và có 2 cháu nhỏ. Tuy nhiên, hàng năm vợ tôi đều tự đưa con về nhà ông bà nội để ăn Tết, sau đó, khoảng Mùng 3 tôi sẽ trở về nhà ăn Tết cùng gia đình", anh Lộc chia sẻ.

Đêm giao thừa ngoài đường của những chiến sĩ CSGT Hà Nội - 5

Thượng úy Phùng Văn Lộc, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6 (Ảnh: Trần Thanh).

Theo anh Lộc, việc anh vắng mặt triền miên vào các đêm giao thừa, cũng khiến người đàn ông này cảm thấy áy náy với vợ con và bố mẹ già. Tuy nhiên đây là công việc và cũng là nhiệm vụ mà anh cùng đồng đội được giao, nên anh luôn chấp hành một cách nghiêm túc.

Nói về người vợ của mình, anh Lộc cho biết, anh cảm thấy may mắn khi có được người vợ luôn biết chia sẻ, động viên và sẵn sàng gánh vác công việc nhà thay anh, mỗi khi anh không có mặt trong gia đình.

Đêm giao thừa ngoài đường của những chiến sĩ CSGT Hà Nội - 6

Thượng úy Lộc cho biết, anh vào ngành đã được 12 năm, thì cũng chừng đó thời gian anh không có mặt ở nhà trong đêm giao thừa (Ảnh: Trần Thanh).

"Như thường lệ, anh em chúng tôi sẽ được nghỉ Tết khoảng 1 đến 2 ngày, tùy theo tình hình giao thông cũng như lịch trực. Ban đầu cũng có cảm giác nhớ nhà, tủi thân khi mọi người lúc đó được sum vầy bên gia đình. Tuy nhiên tôi vẫn luôn tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của lực lượng, được cống hiến, phục vụ nhân dân, đó cũng chính là niềm vui mà mỗi người chiến sĩ CAND luôn hướng tới", anh Lộc nói.