1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Thanh Hóa:

Đìu hiu những ngôi làng chỉ toàn người già và trẻ nhỏ

(Dân trí) - Vì kinh tế gia đình khó khăn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, người dân đã bỏ quê đổ ra các thành phố lớn làm thuê; để lại quê nhà toàn người già và trẻ con.

Những năm gần đây, cùng với nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, có tới hơn 60% số người trong độ tuổi lao động bỏ quê đi làm ăn xa. Những người ra đi đều là những trai tráng, họ đi mang theo hy vọng “đổi đời”. Ở địa phương chỉ còn lại phần lớn các cụ ông, cụ bà và những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới.

Phần lớn các thanh niên đều đi làm ăn xa, những người ở lại là người già và trẻ con.
Phần lớn các thanh niên đều đi làm ăn xa, những người ở lại là người già và trẻ con.

Vào tới cổng làng, những đứa trẻ lên 6, lên 8 đang gò lưng bưng gạch, phụ giúp ông bà vận chuyển vật liệu vào nhà. Phía đằng xa, một phụ nữ đã cao tuổi đang lom khom kéo một xe phân “lặc lè lên con dốc nham nhở sỏi đá. Phải có sự giúp sức của người đi đường, chiếc xe mới vượt qua được con dốc.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết bà là Nguyễn Thị Thơm, 65 tuổi, có hai người con gái và một người con trai đang làm thuê ở Bình Dương, do đó mọi công việc lớn nhỏ đều đến tay bà. "Con cái đi làm ăn xa cả, mùa màng tới, vướng víu các cháu nhỏ nhưng vẫn phải ra đồng. Không làm thì chẳng ai làm thay cho cả. Muốn thuê, khoán nhưng giá cao quá, còn mượn người lại không có", bà Thơm than thở.

Nghỉ một lúc, bà Thơm kể tiếp những năm 1990, ở Thiệu Giao còn không có gạo mà ăn. Trồng lúa, làm mầu quần quật cả năm, nhưng đến những tháng giáp hạt vẫn đói. Nhiều gia đình không có cả khoai độn để no cái bụng. Sau đó, có đôi vợ chồng trẻ vì quá đói, quá nghèo nên phải rời làng ra đi.

Không có người lớn, những công việc nặng nhọc như thế này đều dồn lên vai người già và trẻ nhỏ.
Không có người lớn, những công việc nặng nhọc như thế này đều dồn lên vai người già và trẻ nhỏ.

Cuối năm đấy, họ trở về, mang theo vài triệu ăn Tết khá thịnh soạn. Hỏi ra mới biết họ vào tận Bình Dương để làm công nhân. Từ đấy, nhiều người dân Thiệu Giao nối bước đôi vợ chồng trẻ đi ra ngoài tỉnh làm ăn, với ước mơ đổi đời. Những đứa trẻ mới lớn cũng lần lượt theo bố mẹ chúng đi làm ăn.

Theo một số người dân ở đây cho biết, hàng năm có đến 50 - 60% số người trong đi xa để làm ăn. Có người đi dăm bữa, nửa tháng, có người đi 1 năm, 2 năm, thậm chí có gia đình đi biệt hàng chục năm mới về thăm quê một lần. Từ ngày mọi người bỏ làng đi làm ăn xa, cuộc sống không còn khó khăn như trước. Nhiều hộ xây được nhà tầng, sắm xe máy, nhưng khổ một nỗi là trong làng, ngoài xã nhiều nhà đìu hiu, cửa khóa, then cài, thi thoảng mới nghe tiếng khóc của trẻ con và bước chân chậm chạp của người già.

Buồn hơn khi có đám tang, kiếm mãi không ra người đào huyệt, khiêng hòm. Thiếu vắng bố mẹ, ông bà không đủ sức quan tâm, nhiều em nhỏ sống thiếu thốn tình cảm, sinh nhiều thói hư. Nhiều em không nhớ nổi mặt bố mẹ mình. Em Nguyễn Thùy Dung, học sinh lớp 5, phải xa cha mẹ từ lúc mới chập chững biết đi. Cha mẹ em đi làm ăn 6-7 năm nay mà chưa quay về. Cuộc sống của Dung gắn liền với ông bà nội. Cả khu nhà rộng nhưng chỉ có hai người già và một đứa trẻ sinh sống.

Sau giờ tan học không có người lớn đi đón trẻ, nên các em nhỏ cũng phải đi đón em.
Sau giờ tan học không có người lớn đi đón trẻ, nên các em nhỏ cũng phải đi đón em.

Nhiều ngôi nhà, khu đất không có người ở
Nhiều ngôi nhà, khu đất không có người ở

Dung tâm sự: "Nhiều lúc nhớ mẹ phát khóc. Bố thì em chỉ nhớ mặt qua bức ảnh gia đình".

Ông Lê Duy Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Giao cho biết: Thiệu Giao hiện có gần 1.600 hộ dân với gần 6.300 nhân khẩu. Mỗi năm, xã có tới 2/3 số người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa. Số ở nhà chủ yếu là ông bà già và trẻ con. Nhìn chung, điều kiện kinh tế của những hộ có con em đi làm ăn xa đều khá. Tuy nhiên, trong số nhân khẩu hiện đang sinh sống tại địa phương có tới 70% là người già và trẻ nhỏ. Điều này đang gây ra tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, phần lớn là phải đi thuê lao động, hoặc cho ruộng để người khác làm”.

Nhiều ngôi nhà, khu đất không có người ở
Bộ mặt quê hương thay đổi nhờ những lao động đi làm ăn xa, nhưng cuộc sống cũng không vì thế mà đầm ấm hơn.

Không chỉ thế, việc xáo trộn nhân khẩu còn gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo đảm an ninh trật tự và các hoạt động đoàn thể. Nhiều thanh niên đi làm ăn xa nên hàng năm, số thanh niên tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự rất thấp.

Vẫn biết hiện nay Đảng bộ, chính quyền xã thường xuyên đến từng hộ gia đình có người đi làm ăn xa để động viên; đồng thời khẩn trương quy hoạch đất sản xuất nhằm khuyến khích họ trở về xây dựng kinh tế tại địa phương; đồng thời khôi phục lại một số nghề truyền thống, cùng với du nhập thêm nghề mới nhằm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; nhưng xem ra việc làm này chưa thể thực hiện trong ngày một, ngày hai.

Hoàng Văn - Duy Tuyên