PhotoStory

Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình "đắp chiếu" suốt 22 năm

Thực hiện: Thái Bá

(Dân trí) - Dự án trung tâm thể dục thể thao Ninh Bình triển khai xây dựng năm 2001 nhằm phục vụ SEA Games 22. Hơn 2 thập kỷ trôi qua, công trình vẫn là bãi đất trống cỏ mọc um tùm, "đắp chiếu" giữa thành phố.

Dự án trung tâm thể dục thể thao "đắp chiếu" 22 năm

Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình đắp chiếu suốt 22 năm - 1

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình cho biết, Sở đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Ninh Bình để quyết toán nguồn vốn, thanh toán cho nhà thầu thi công dự án Trung tâm Thể dục thể thao Ninh Bình.

Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình đắp chiếu suốt 22 năm - 2

Cũng theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình, số tiền mà chủ đầu tư dự án (Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình) trình UBND tỉnh để thanh toán cho nhà thầu là gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở cũng cùng với các đơn vị liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc giải phóng dự án sau 22 năm triển khai.

Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình đắp chiếu suốt 22 năm - 3

Trước đó, năm 2001, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đầu tư dự án Trung tâm Thể dục thể thao Ninh Bình. Dự án được triển khai xây dựng trên diện tích khoảng 3,2ha, tại phường Tân Thành, TP Ninh Bình, ngay trước sân vận động tỉnh Ninh Bình, giữa trung tâm thành phố Ninh Bình.

Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình đắp chiếu suốt 22 năm - 4
Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình đắp chiếu suốt 22 năm - 5

Công trình được triển khai xây dựng hệ thống bể bơi để phục vụ thi đấu SEA Games 22, sau đó sẽ triển khai xây dựng tiếp các hạng mục khác để làm nơi bồi dưỡng, đào tạo, tập luyện cho môn bơi lội của tỉnh Ninh Bình. Dự án có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng bằng tiền ngân sách Nhà nước, Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình được giao làm chủ đầu tư.

Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình đắp chiếu suốt 22 năm - 6

Để triển khai dự án, hàng chục hộ dân phố Phúc Tân, phường Tân Thành, TP Ninh Bình nằm trong diện phải di dời. Dự án triển khai san lấp mặt bằng xong, xây dựng được hơn 100m2 móng nền của khu bể bơi rồi "đắp chiếu" 22 năm qua.

Cũng từ đó, gần 20 hộ dân chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng phải "sống treo", đi không được ở cũng không xong.

Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình đắp chiếu suốt 22 năm - 7

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, khu đất triển khai dự án Trung tâm Thể dục thể thao Ninh Bình nằm giữa trung tâm thành phố Ninh Bình, xung quanh là trường học, khu dân cư văn minh nhộn nhịp.

Tuy nhiên, toàn bộ mặt bằng khu dự án nằm "im lìm" 2 thập kỷ qua khiến người dân không khỏi xót xa cho số tiền ngân sách đã bỏ ra xây dựng dự án, cũng như diện tích "đất vàng" bỏ lãng phí 22 năm qua.

Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình đắp chiếu suốt 22 năm - 8
Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình đắp chiếu suốt 22 năm - 9

Kể từ khi dự án dừng triển khai, "đắp chiếu", khu đất làm dự án bị biến thành nơi để ống cống và cọc bê tông của một doanh nghiệp.

Ông Đinh Hùng Sơn - Tổ trưởng tổ dân phố Phúc Tân cho biết, những năm qua 17 hộ dân của phố không thể làm được sổ đỏ diện tích đất ở vì nằm trong quy hoạch. Muốn sửa chữa xây dựng nhà ở cũng không được. Hàng chục năm qua, người dân liên tục kiến nghị đến các cấp chính quyền, nếu dự án không triển khai nữa để dân ổn định cuộc sống, nhưng 2 thập kỷ qua vẫn chưa có câu trả lời.

Dự án trên đất vàng thành phố Ninh Bình đắp chiếu suốt 22 năm - 10

Được biết, nguyên nhân khiến dự án Trung tâm Thể dục thể thao Ninh Bình "chết yểu" là do không bố trí được nguồn vốn, cùng với đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc không bố trí được vốn trước khi dự án được phê duyệt nhưng vẫn để nhà thầu bỏ tiền túi ra san lấp mặt bằng rồi triển khai dự án, sau đó để dự án "đắp chiếu" gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước, lãng phí 3,2ha "đất vàng" khiến người dân vô cùng bức xúc.

Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, dự án dừng triển khai, tỉnh bố trí nguồn vốn trả cho nhà thầu thi công. Diện tích đất làm dự án, tỉnh sẽ giao về cho UBND thành phố Ninh Bình quản lý để có phương án sử dụng hiệu quả, không gây lãng phí.

Trong khi tỉnh Ninh Bình nhiều năm tìm biện pháp tháo gỡ cho dự án "chết yểu" hơn 2 thập kỷ qua, gần 20 hộ dân vẫn hoang mang "sống treo" giữa dự án. Số phận của khu "đất vàng" bỏ hoang giữa thành phố, cỏ dại mọc um tùm không biết đến bao giờ mới được định đoạt!