1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

“Giải cứu” nữ lao động Việt Nam kêu cứu từ Ả Rập

(Dân trí) - Lao động Việt tại Ả Rập phải làm việc liên tục 16 tiếng/ngày, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm, sút gần 10kg trong 8 tháng đi làm… Đó là những lời kêu cứu khẩn thiết của nữ lao động giúp việc nhà đang làm việc ở Ả Rập Saudi.

 
Chị Lan Anh (em gái chị Lan Chi) phản ánh tình trạng của chị gái mình với PV
Chị Lan Anh (em gái chị Lan Chi) phản ánh tình trạng của chị gái mình với PV

 

Đêm nào cũng gọi điện về khóc!

 

Qua điện thoại, nữ lao động Đặng Thị Lan Chi kể, chị đang làm giúp việc nhà cho chủ tại Ả Rập Saudi. Trước đó, đầu năm 2013, vì cần tiền lo cho mẹ già và con nhỏ nên chị đã liên hệ với 2 người môi giới tên Hương và Oanh. Hai người này hẹn chị đến bệnh viện T.N để khám sức khỏe, làm hộ chiếu. Chị được tư vấn khi sang nước bạn sẽ làm việc 8 tiếng/ngày, lương 7-10 triệu đồng/tháng. “Tuy nhiên, mãi đến lúc ra sân bay, tôi mới được Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Nhân lực quốc tế INTIME Nguyễn Tiến Thi (địa chỉ Hoàng Việt, Tân Bình, TPHCM) đưa hợp đồng để ký, mức lương ghi là 1.200 SAR (tiền Ả Rập) rồi tôi lên máy bay” - chị Lan Chi nói.

 

Mặc dù hợp đồng như vậy nhưng qua đến Ả Rập, chị Chi phải dậy từ 5h sáng và làm đến 10h đêm, có ngày đến 12h đêm, nhưng lương chỉ có 6 triệu đồng/tháng, cơm chỉ được ăn trong… 5 phút, nhiều lúc không hiểu chủ nhà nói gì cũng bị chửi mắng. “Tôi rất mệt mỏi và muốn về nhà nhưng chủ nhà đã giữ toàn bộ giấy tờ. Tôi cũng có gọi điện thoại cho giám đốc Thi thì anh ấy nói muốn về phải đền tiền hợp đồng 4.000USD, số tiền này quá lớn, tôi lấy đâu ra. Ở bên này, tôi cũng có gặp một số nữ giúp việc nhà người Thanh Hóa đi theo công ty khác và họ cũng khổ như tôi” - chị Chi nói.

 

Trao đổi với PV Dân trí, chị Đặng Thị Lan Anh, em gái chị Đặng Thị Lan Chi (ngụ phường 16, quận 4 TPHCM) khóc lóc kể, từ 8 tháng qua, mỗi đêm chị Lan Chi đều gọi điện về nhà khóc vì cuộc sống bên đó quá khổ cực...
 
Chị Lan Chi khi còn ở Việt Nam (Ảnh gia đình cung cấp)

Chị Lan Chi khi còn ở Việt Nam (Ảnh gia đình cung cấp)

 

Hợp đồng khó hiểu?

 

PV đã cùng người nhà chị Lan Chi đến trụ sở Công ty INTIME để xác minh sự việc. Ông Nguyễn Tiến Thi cho biết, sau khi có thông tin phản ánh, phía công ty đã đã gọi điện qua Ả rập trao đổi với chị Lan Chi và chủ nhà. Theo ông Thi, hiện mối quan hệ của của chị Lan Chi và chủ nhà đang rất tốt, 2 bên đều rất… quý nhau (?). Để xác minh, chúng tôi đã gọi điện thoại trực tiếp cho chị Lan Chi, bật loa ngoài để ông Thi cùng nghe. Chị Lan Chi khẳng định, chị bệnh cả tuần rồi thở không nổi, kêu mãi chủ mới cho đi truyền nước biển và thở oxy. Chị xác nhận lại, việc ăn uống chỉ được diễn ra trong 5 phút, mỗi ngày ăn một bữa chính vào lúc gần 3 giờ chiều. Buổi tối, khoảng 9-10 giờ đêm chị nấu bữa ăn phụ cho chủ; sau đó chờ chủ ăn còn dư thì mình ăn, nếu họ ăn hết thì… thôi! “Giờ tôi kiệt sức lắm rồi, chịu không nổi nữa”, chị Chi nói qua điện thoại.

 

Sau khi nghe cuộc điện thoại, ông Thi vẫn nói, nếu người lao động muốn về nước trước hạn sẽ phải trả các chi phí như tiền vé từ Ả Rập về Việt Nam (ít nhất 500 USD), chi phí visa, khám sức khỏe…

 

Phóng viên yêu cầu ông Thi cung cấp hợp đồng giữa 2 bên. Luật sư Trần Mạnh Thắng - Phó trưởng Văn phòng luật sư Luật Tín Nghĩa, TPHCM - phân tích: Hợp đồng có nhiều điều khoản không rõ ràng như: Thời gian làm việc theo quy định của chủ sử dụng lao động (giả sử chủ bắt làm 24/24 thì sao); Làm thêm giờ theo luật lao động Arab Saudi. Hợp đồng quy định thời gian thử việc 03 tháng là trái điều 27 Bộ luật lao động Việt Nam (lao động phổ thông thử việc không quá 06 ngày)…

 

Đại sứ quán “giải vây”

 

Trao đổi với PV về vụ việc trên, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo quy định, tất cả vấn đề  liên quan đến người lao động và công ty cung ứng lao động, khi có những sự cố xảy ra, trước tiên hai bên phải thương thảo, giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về công ty ký hợp đồng với người lao động.

 

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có ý kiến với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề người lao động Việt phản ánh. Qua rà soát, ông Hải cho biết Công ty INTIME có giấy phép đưa lao động đi nước ngoài.

 

Tối 4/3, trao đổi với PV Dân trí từ Ả Rập, chị Đặng Thị Lan Chi cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại nước này đã trực tiếp tới nơi chị làm việc để tìm hiểu sự việc. Sau đó chủ nhà đã cam kết tăng lương cho chị (từ 1.200 SR lên 1.300 SR). Chủ nhà cũng đồng ý giảm bớt công việc, mua thuốc bổ, sữa cho chị và hứa nếu chị ở lại làm việc thì ngày 15/9 tới sẽ đặt vé máy bay cho chị về Việt Nam chơi hai tháng… Phía Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập cũng cung cấp cho chị Lan Chi số điện thoại để liên lạc nếu chủ nhà có hành vi ngược đãi.

 

Chị Chi xúc động nói: “Nhờ sự giúp đỡ của báo chí, sự can thiệp của Đại sứ quán, cơ quan chức năng nên công việc, cuộc sống của tôi đã được cải thiện nhiều. Hoàn cảnh gia đình tôi còn nhiều khó khăn nên tôi sẽ cố gắng ở lại tiếp tục làm việc”.

 
Việt Khuê