1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Giải oan cho một thầy giáo bị nghi bắt cóc học sinh

Em P. cho biết đã tự ý bỏ nhà ra đi do mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình và khẳng định, việc em đi không có liên quan đến thầy giáo cũ (thầy Đ.) của em ở Sơn La.

Suốt một tuần mất ăn, mất ngủ bởi con gái là Nguyễn Thị P., 21 tuổi, bỗng dưng mất tích, ông Nguyễn Đình T., trú tại xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La đã tìm đến Công an huyện Mộc Châu với hy vọng sớm tìm được con.

 

Sau đó, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52) đã nhận được công văn đề nghị truy tìm người mất tích của Công an tỉnh Sơn La, trong đó có trường hợp của em P. Các trinh sát Phòng 6 Cục C52 đã phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Công an các tỉnh, TP: Hà Nội, Sơn La, Hưng Yên… truy tìm em P.

 

Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em P, tổ công tác Phòng 6 Cục C52 được biết, mẹ P. mất sớm, bố em đi bước nữa. Theo lời trình bày của ông T. - bố em P. - thì trước thời điểm mất tích, em P. vẫn sinh hoạt bình thường, không có biểu hiện gì bất thường. Trước khi đi khỏi nhà, P. có nói với anh trai rằng đi xin trấu về đun nhưng mãi không thấy về. Khi đi, P. mang theo một xe máy Dream Việt Nam.

 

Một chi tiết khiến các trinh sát chú ý, đó là trong quá trình thu thập thông tin, gia đình cho biết có nghi ngờ việc thầy giáo cũ của P. hiện công tác tại Trường PTCS Chiềng Ve đã giấu P. đi nơi khác.

 

Trong quá trình thu thập tin tức, làm rõ việc P. có bị mất tích hay bị bắt cóc mang bán sang nước ngoài như dư luận đồn thổi, có liên quan đến thầy giáo cũ hay không? Các trinh sát đã tiến hành làm việc với thầy Trần Văn Đ. Khi đó, thầy Đ. cũng đang rất buồn vì việc bố, mẹ P. lên gặp và chất vấn thầy nhiều lần về việc P. mất tích.

 

Tại buổi làm việc với cán bộ Phòng 6 Cục C52 tại Công an huyện Mộc Châu, thầy Đ. cho biết, hoàn toàn không biết gì về việc mất tích của em P. và không liên quan gì đến sự việc đó. Theo thầy Đ. trình bày, khoảng cuối năm 2009, thời gian thầy Đ. dạy P. thì thầy và trò có nói chuyện với nhau, P. đã chủ động xin thầy số điện thoại. Sau đó, P. đã gọi điện thoại cho thầy Đ. và thỉnh thoảng họ vẫn liên hệ với nhau nhưng câu chuyện chỉ xoay quanh việc P. nhờ thầy hướng dẫn cho làm hồ sơ thi đại học chứ thầy Đ. và P. không có quan hệ tình cảm gì khác. Thầy Đ. không biết P. hiện đi đâu, làm gì và P. cũng không liên hệ gì với thầy…

 

Mất rất nhiều thời gian, công sức, các trinh sát đã có thông tin về việc em P. xuất hiện tại khu vực chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội). Sau đó các trinh sát lại có thông tin tại một công ty may ở tỉnh Hưng Yên, trong số công nhân nữ mới được tuyển vào làm có một công nhân có đặc điểm giống em P. đang bị mất tích. Quá trình xác minh, các trinh sát đã làm rõ danh tính nữ công nhân chính là em Nguyễn Thị P.

 

Tường trình với cơ quan Công an, P. cho biết do trong cuộc sống gia đình nảy sinh mâu thuẫn nên đã tự ý bỏ nhà ra đi. P cũng khẳng định việc em đi không có liên quan đến thầy giáo cũ của em ở Sơn La.

 

Đầu tháng 11/2010, lãnh đạo Phòng 6 Cục C52 cho biết, đã trao đổi thông tin với Công an Sơn La và cùng đại diện gia đình tiến hành việc trao trả em P về với gia đình. Theo nguyện vọng của em P. xin được gia đình cho ở lại công ty để làm việc. Việc mất tích “ảo” của em P. đã được các đơn vị chức năng làm rõ, qua đó, đã giải oan cho một thầy giáo.

 

Theo Anh Hiếu

Công an nhân dân