1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Giáo viên mâu thuẫn, học sinh chịu khổ

(Dân trí) - Đã từng là đơn vị có nhiều thành tích trong ngành giáo dục Thủ đô, nhưng thời gian gần đây, Trường tiểu học Quang Trung đang phải đối mặt với sự sa sút về chất lượng, tình trạng mất đoàn kết kéo dài khiến cho phụ huynh học sinh băn khoăn, giáo viên phải làm đơn tố giác.

Tố cáo của người trong cuộc

 

Theo tố cáo của cô giáo Phạm Thị Minh Hiền, mọi chuyện xảy ra bắt nguồn từ những việc làm không công bằng và sai phạm của bà Hiệu trưởng Phạm Ngọc Trúc.

 

Trong nhiều năm qua bà Trúc không công khai tài chính các nguồn thu, chi; việc thu tiền bán trú của học sinh có dấu hiệu không minh bạch; chi sai mục đích và lập chứng từ thu chi giả để hợp thức hóa các khoản chi không đúng quy định. Đầu năm học 2005 - 2006, Hiệu trưởng chỉ đạo thu một số khoản tiền của học sinh trái với quy định của Nhà nước bị phụ huynh phát giác tố cáo. Sở Giáo dục & Đào tạo kiểm tra, yêu cầu nhà trường phải trả lại cho học sinh. Tuy nhiên, những sai phạm này hoàn toàn không bị xử lý.

 

Năm 2005 bà Trúc cho bán thanh lý hàng trăm bộ bàn ghế trong khi chưa làm thủ tục bàn giao. Khoản tiền này UBND quận Đống Đa đầu tư cho trường năm 2004 để trang bị 100 bộ bàn ghế liên hoàn cho học sinh tiểu học. Hiệu trưởng tự đi mua, kết quả 100 mặt bàn không ghép được vừa thân bàn vì không cùng chủng loại đành phải xếp kho. Đến nay, số mặt bàn này đã hư hỏng gần hết, còn các học sinh lớp 1, lớp 2 vẫn phải dùng bàn ghế không đúng cỡ... Việc mua sắm các trang thiết bị trong nhà trường theo quy định phải thông qua Hội đồng giáo viên (từ 500 ngàn đồng trở lên) đã không được Hiệu trưởng chấp hành.

 

Cô giáo Nguyễn Minh Tâm, Phó Bí thư chi bộ nhà trường phản ánh: Kể từ khi bà Phạm Ngọc Trúc làm hiệu trưởng (gần 5 năm nay), môi trường sư phạm xuống cấp nghiêm trọng, nội bộ mất đoàn kết, phát sinh tình trạng nói xấu nhau, hiện tượng bè phái, do cách hành xử thiếu công bằng của bà hiệu trưởng. Việc không gương mẫu của người đứng đầu khiến tư tưởng giáo viên không yên tâm công tác.

 

Chị Tâm đã nhiều lần góp ý thẳng thắn trong các cuộc họp nhưng Hiệu trưởng không những không tiếp thu mà còn mạt sát, to tiếng với Phó Bí thư chi bộ ngay tại sân trường trước mặt học sinh...

 

Sai phạm kéo dài - Trách nhiệm thuộc về ai

 

Chúng tôi đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu, Đại diện Công đoàn và Thanh tra nhân dân của trường Tiểu học Quang Trung và thật bất ngờ khi bà Nghiêm Thị Hằng Nga - Hiệu phó nhà trường cho biết “Về tài chính tôi không biết gì, việc thu chi từ nguồn học sinh học bán trú cũng do thủ quỹ, kế toán và hiệu trưởng làm. Hàng năm, Thanh tra Nhân dân có báo cáo trước Hội đồng vào dịp Hội nghị công nhân viên chức, nhưng chỉ nói chung chung, tổng thu, tổng chi. Trong cuộc họp BGH và BCH Công đoàn vào cuối tháng 8/2005, hiệu trưởng có công khai việc mua sắm đầu năm học nhưng chỉ nêu cần mua sắm những gì, còn giao cho ai mua, số lượng, số tiền là bao nhiêu thì không công bố nên tôi cũng không được biết”.

 

Về khoản thu đầu năm sai quy định, bà Nga cho biết là có thật. Đó là khoản thu 5000 đồng/em cho quỹ khuyến học. Sau khi phụ huynh học sinh khiếu kiện, cấp trên đã yêu cầu nhà trường trả lại khoản thu này.

 

Về việc mua sắm 100 mặt bàn để ghép vào bàn liên hoàn, bà Phạm Ngọc Trúc lý giải: Khi cơ sở vật chất còn chung với Trường THCS  Quang Trung, học sinh tiểu học không thể ngồi bàn của các anh chị lớn nên tôi đề nghị quận mua cho 100 mặt bàn. Nhưng cứ ghép vào thì học sinh THCS lại nghịch, cậy ra nên cuối cùng đành phải xếp vào kho để chờ quận sửa chữa. Nhưng mới có mấy tháng mở ra mối đã xông gần hết.

 

Khi được hỏi số tiền bỏ ra mua mặt bàn là bao nhiêu, bà Trúc nói không biết, “quận mua cho chứ trường có tự đi mua đâu, chỉ biết giá của mỗi bộ bàn ghế là 420 ngàn đồng”… Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi và trao đổi với một số giáo viên, lý do không thể sử dụng được là vì những mặt bàn này không cùng chủng loại với bàn ghế cũ.

 

Về vấn đề mất đoàn kết nội bộ, Bà Trúc thừa nhận trong trường có hai phe nhưng từ trước khi bà về làm hiệu trưởng, bà đã cố gắng dung hòa nhưng chưa được. Điều đáng nói, một chi bộ nảy sinh mất đoàn kết nghiêm trọng như vậy nhưng theo phản ánh của một số giáo viên thì mấy năm gần đây chi bộ này đều đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh. Thậm chí bà hiệu trưởng cũng có danh hiệu riêng cho mình.

 

Nói về một số nội dung tố cáo chứng từ giả, khống bà Trúc thẳng thắn: “Có một số khoản không thể lấy đâu ra chứng từ được, trường nào mà chả thế! Như dịp Tết, tiền qùa biếu cho anh Long (Trưởng phòng GD quận), cho anh Thắng và các cán bộ khác trên Phòng Giáo dục Quận Đống Đa, làm sao mà bảo mọi người ký nhận nên chúng tôi phải hợp thức bằng chứng từ khác là đương nhiên…”.

 

Rõ ràng, chuyện mất đoàn kết nội bộ, thu chi tài chính có vấn đề đang xảy ra ở đơn vị này là có thật. Nhưng không hiểu vì sao những tiêu cực này không bị ngăn chặn và xử lý. Vai trò giám sát và chỉ đạo của các cơ quan hữu quan Quận Đống Đa ở đâu?

 

Thái Anh