1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giấy giới thiệu “giá” 3,7 tỉ đồng

Dựa vào tờ giấy giới thiệu người đến nhận tiền, chủ một tiệm vàng ở Cà Mau đã khởi kiện đòi “món nợ” 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, bị đơn luôn khẳng định chỉ mới đưa giấy chứ chưa từng nhận tiền

 

 
Giấy giới thiệu “giá” 3,7 tỉ đồng - 1
Tờ giấy giới thiệu ông Quởn đến tiệm vàng Đức Vỹ nhận tiền là chứng cứ duy nhất được xem xét để giải quyết vụ án tranh chấp bạc tỉ

 

Theo hồ sơ vụ án, sáng 2/11/2007, ông Nguyễn Việt Thương, Phó Giám đốc DNTN Dịch vụ - Thương mại 69 Cà Mau (12A Hùng Vương, phường 7, TP Cà Mau), giới thiệu ông Nguyễn Quởn đến tiệm vàng Đức Vỹ (58 Lê Lợi, phường 2, TP Cà Mau) do ông Vương Kỳ Quang làm chủ để vay 2,5 tỉ đồng.

 

Cùng thời gian này, ông Thương bị Công an tỉnh Cà Mau triệu tập và bắt tạm giam do có hành vi thành lập doanh nghiệp khống nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Gần 2 năm sau, ông Quang khởi kiện vợ chồng ông Thương để đòi lại tiền.

 

Chứng cứ mong manh

 

Điều đáng nói là cho vay với số tiền đến 2,5 tỉ đồng nhưng tiệm vàng Đức Vỹ không có bất cứ một giấy tờ nào thể hiện việc giao dịch. Chứng cứ duy nhất để ông Quang xác định có cho vợ chồng ông Thương vay 2,5 tỉ đồng chỉ là tờ giấy giới thiệu ông Quởn đến tiệm vàng Đức Vỹ nhận tiền, có đóng dấu DNTN Dịch vụ - Thương mại 69 Cà Mau và dấu tên của chủ doanh nghiệp là bà Võ Hồng Hạnh (vợ ông Thương) nhưng không có chữ ký.

 

Tại đơn khởi kiện được lập vào ngày 26/10/2009 và các biên bản hòa giải, đối chất giữa các đương sự, có lúc ông Quang nói giao tiền trực tiếp cho ông Thương, bà Hạnh; lúc thì nói giao tiền cho ông Quởn, với lãi suất thỏa thuận là 3%/tháng.

 

Tại tờ tường thuật ngày 15/10/2009, ông Quởn thừa nhận đã lấy tiền về đưa cho bà Hạnh nhưng tại tất cả các lời khai khác, ông Quởn lại khẳng định chỉ đưa giấy cho tiệm vàng Đức Vỹ chứ không nhận tiền và cho rằng bị người của ông Quang ép viết tờ tường thuật nói trên.

 

Bà Hạnh cho rằng tuy bà đứng tên chủ doanh nghiệp nhưng toàn bộ công việc đều do ông Thương điều hành, kể cả mọi giao dịch vay tiền cũng do ông Thương thực hiện chứ bà không tham gia.

 

Ông Thương thừa nhận vào sáng 2/11/2007, ông có yêu cầu ông Quởn viết nội dung vào giấy giới thiệu đến tiệm vàng Đức Vỹ để vay tiền, ông xem lại rồi đóng dấu doanh nghiệp và đóng dấu tên bà Hạnh nhưng chưa ký tên, rồi đưa cho ông Quởn mang sang tiệm vàng Đức Vỹ. Cùng lúc đó, ông Thương qua Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau làm việc và bị bắt tạm giam.

 

Chìa khóa bị bỏ qua

 

Tại bản án sơ thẩm ngày 23/7/2010, TAND TP Cà Mau căn cứ vào tờ giấy giới thiệu ông Quởn đến tiệm vàng Đức Vỹ nhận tiền mà kết luận rằng vào sáng 2/11/2007, ông Quang có giao số tiền 2,5 tỉ đồng cho ông Thương và bà Hạnh. Từ đó, buộc ông Thương và bà Hạnh phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông Quang số tiền trên, cộng với số tiền lãi tính theo lãi suất ngân hàng kể từ 2/11/2007. Như vậy, tổng cộng số tiền ông Thương và bà Hạnh phải trả cho ông Quang là gần 3,3 tỉ đồng.

 

Nhận định bản án trên của TAND TP Cà Mau bộc lộ nhiều thiếu sót trong việc thu thập chứng cứ, tại bản án phúc thẩm ngày 4/1/2011, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên hủy án. Do đó, ngày 2/5/2011, TAND TP Cà Mau đã phải đưa vụ án ra xét xử lại từ đầu.

Lần này, người đại diện của ông Quang là luật gia Hà Văn Sơn đã cung cấp thêm chứng cứ là một CD được cho là ghi âm lại cuộc gọi điện thoại của ông Quang đòi nợ bà Hạnh vào khoảng cuối năm 2009 và một CD được cho là giọng nói của ông Quởn thừa nhận với ông Nguyễn Việt Trung (đã mất) về việc có nhận số tiền trên từ tiệm vàng Đức Vỹ.

 

Tuy bà Hạnh đã phủ nhận giọng nói của bà trong đĩa thu âm và yêu cầu được giám định nhưng TAND TP Cà Mau đã không làm. Vẫn với lập luận như cũ, TAND TP Cà Mau tuyên buộc ông Thương và bà Hạnh phải trả cho ông Quang số tiền gốc và lãi suất theo ngân hàng đến thời điểm hiện tại là hơn 3,7 tỉ đồng. Vì thế, ông Thương và bà Hạnh tiếp tục kháng án.

 

Theo Duy Nhân

  Người lao động