1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Tiền Giang:

Hạn mặn khốc liệt, tìm cách cứu vườn sầu riêng của người dân

(Dân trí) - Trước tình trạng vườn sầu riêng suy kiệt, cây có dấu chết vì thiếu nước, chính quyền địa phương đã triển khai phương án hỗ trợ nước miễn phí để “giải cứu vườn sầu riêng” cho nông dân.

Hạn mặn khốc liệt, tìm cách cứu vườn sầu riêng của người dân - 1
Hạn mặn khiến các vườn sầu riêng tại các xã Hội Xuân, Tam Bình (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) rụng lá, chết khô

Chiều 16/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Văn Lâm – Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn xã có 1.600 ha trồng sầu riêng. Do ảnh hưởng xâm nhập mặn nên hầu hết sầu riêng của các nhà vườn đều suy kiệt, có dấu hiệu rụng lá vì thiếu nước. Uớc thiệt hại ban đầu khoảng 15% tổng diện tích trồng sầu riêng của toàn xã.

Hạn mặn khốc liệt, tìm cách cứu vườn sầu riêng của người dân - 2
Hồ trữ nước ngọt của xã Tam Bình để cấp nước tưới sầu riêng miễn phí cho nông dân

Ông Lâm cũng cho biết, để cứu vườn sầu riêng, nông dân thường thuê sà lan bơm nước ngọt với giá dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/m3, tùy theo lượng ống bơm dẫn nước xa hay gần. Trước tình trạng nêu trên, tỉnh Tiền Giang có chủ trương, hỗ trợ nguồn nước ngọt phục vụ cho bà con nông dân tưới tiêu cho đến khi có nước ngọt trở lại.

“Tại xã Tam Bình có một điểm cấp nước miễn phí cạnh đường ĐT 864. Điểm cấp nước này, phục vụ miễn phí cho nông dân ở 11 ấp của xã, mỗi tháng 4 lần tưới. Cụ thể, với 1 công (1 công = 1.000 m2) trồng 20 cây sầu riêng trên 5 năm tuổi, nông dân sẽ được hỗ trợ 2 khối nước miễn phí/lần tưới, còn cây dưới 5 năm tuổi thì được hỗ trợ 1 khối nước/lần tưới.

Hạn mặn khốc liệt, tìm cách cứu vườn sầu riêng của người dân - 3
Nhiều ô tô tải xếp hàng chờ tới lượt lấy nước miễn phí tại xã Tam Bình
Hạn mặn khốc liệt, tìm cách cứu vườn sầu riêng của người dân - 4
Nông dân xã Tam Bình đang lấy nước miễn phí để “giải cứu sầu riêng”

Người dân chỉ việc đến điểm cấp nước miễn phí đăng ký rồi tự bơm nước chuyển về sử dụng, chi phí vận chuyển thì nông dân tự chịu”, Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết thêm.

Ngoài xã Tam Bình, các xã lận cận như Hội Xuân (huyện Cai Lậy) và xã Phú Phong (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cũng rơi vào cảnh “khát nước ngọt” tương tự. Nông dân Nguyễn Văn Huệ (SN 1957, ngụ ấp Hội Nghĩa, xã Hội Xuân) cho biết, do xâm nhập mặn cả tháng qua nên 4 công vườn trồng sầu riêng của gia đình ông đang dưỡng cho trái bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Một số cây sầu riêng hiện đã chết khô phải đốn hạ, số cây còn lại bắt đầu có dấu hiệu rụng lá vì thiếu nước.

Giải cứu vườn sầu riêng

“Mấy ngày trước, đã có cán bộ địa phương đến từng hộ nông dân trồng sầu riêng khảo sát, ghi lại số lượng cây trồng để có kế hoạch hỗ trợ nước cho nông dân vào những ngày tới. Tuy nhiên, do gia đình tôi không có phương tiện vận chuyển, lại ở khá xa điểm cấp nước nên việc thuê xe vận chuyển nước về sẽ tốn nhiều chi phí. Vì vậy, giờ gia đình chỉ còn cách trông chờ mưa xuống”, ông Huệ thở dài nói.

Hạn mặn khốc liệt, tìm cách cứu vườn sầu riêng của người dân - 5

Nông dân Nguyễn Văn Huệ chỉ tay về hướng gốc sầu riêng hơn 4 năm tuổi chết khô do xâm nhập mặn, phải đốn hạ

Hạn mặn khốc liệt, tìm cách cứu vườn sầu riêng của người dân - 6
Những vườn sầu siêng ở xa, ô tô không thể vào được thì xe máy là phương tiện chở nước hiệu quả nhất
Hạn mặn khốc liệt, tìm cách cứu vườn sầu riêng của người dân - 7

Các mương dẫn nước ngọt tại vườn sầu riêng của ông Huệ giờ khô cạn, trơ đáy

Hạn mặn khốc liệt, tìm cách cứu vườn sầu riêng của người dân - 8
Xe cẩu cuốc đất được điều đến cạnh UBND xã Hội Xuân để đào ao trữ nước ngọt phục vụ miễn phí cho bà con nông dân

Theo ghi nhận của PV Dân trí, vào chiều cùng ngày, xe cẩu cuốc đất được điều đến cạnh UBND xã Hội Xuân để đào ao trữ nước ngọt nhằm “giải cứu vườn sầu riêng” cho bà con nông dân trong xã.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Hội Xuân cho biết, hiện xã đang khẩn trương triển khai đào giếng và trải bạt cao su để trữ nước ngọt ở hai điểm. Trong vào ngày tới, nước ngọt sẽ được chuyển về từ các sà lan rồi bơm vào hồ trữ nước, phục vụ miễn phí cho bà con nông dân của xã trong đợt xâm nhập mặn khắc nghiệt này.

Quốc An