Hàng loạt vấn đề cử tri bức xúc được "điểm danh" trên nghị trường Quốc hội

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Tham nhũng, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều ngành và ngày một tinh vi hơn, đặc biệt trong đầu tư công, tài chính, ngân hàng, đất đai... Đây là vấn đề khiến cử tri bức xúc.

Sáng 23/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6, trước Quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao khi trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm.

Đề cập một số lĩnh vực cụ thể, ông Chiến báo cáo giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% (tương đương 110.000 tỷ đồng), hoàn thành hơn 650km đường cao tốc. Bên cạnh đó, ngân sách tích lũy được hơn 500.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương.

Hàng loạt vấn đề cử tri bức xúc được điểm danh trên nghị trường Quốc hội - 1

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (Ảnh: Quang Vinh).

Dù vậy, cử tri và nhân dân lo lắng, kinh tế có tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm và thiếu tính ổn định; số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn lớn, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn bấp bênh; thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp…

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cử tri và nhân dân còn băn khoăn khi thu nhập của giáo viên mầm non rất thấp; tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục, thiếu trường, lớp học khiến con em những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải học ở các trường ngoài công lập với chi phí cao.

Cử tri kiến nghị cần sớm xây dựng mức đóng học phí cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng học sinh bỏ học vì học phí quá cao. Đồng thời, cử tri mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để sớm khắc phục những bất cập trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa…

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi và đồng tình với kết quả xét xử 54 bị can trong vụ án chuyến bay giải cứu.

"Cùng với xử lý kỷ luật bằng pháp luật, Đảng và Nhà nước đã kiên quyết kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, có cả lãnh đạo cấp cao, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai", ông Chiến nhấn mạnh.

Theo ông, cử tri và nhân dân nhìn nhận công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng đã "truyền lửa" đến cấp tỉnh, thực sự trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Dù vậy, theo ông Chiến, cử tri băn khoăn, trăn trở khi tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ngày một tinh vi hơn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tài chính, ngân hàng, đất đai.

"Tham nhũng vặt", "nhũng nhiễu" doanh nghiệp và người dân vẫn xảy ra; thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hàng loạt vấn đề cử tri bức xúc được điểm danh trên nghị trường Quốc hội - 2

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Quang Vinh).

Vì thế, cử tri muốn Đảng, Nhà nước tập trung siết chặt kỷ cương, kỷ luật, rà soát pháp luật để bịt các kẽ hở; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện nghiêm quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức, bổ sung quy định về xử lý tài sản không giải trình hợp lý.

Bên cạnh cơ chế pháp luật xử lý tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc tiêu cực đã thực hiện kiểm tra, thanh tra không phát hiện sai phạm, cử tri đề nghị có chính sách khoan hồng với người vi phạm nhưng không mang tính vụ lợi, tạo cơ hội cho họ khắc phục sai phạm.

Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ông Chiến cho biết cử tri quan tâm và kịch liệt lên án tội phạm có tính chất khủng bố xảy ra ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), làm thương vong nhiều cán bộ, chiến sĩ  thi hành công vụ.

"Cử tri mong Nhà nước xử lý nghiêm minh những kẻ cầm đầu và có chính sách khoan hồng đối với những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin", theo báo cáo của Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam.