1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Quảng Trị:

Hàng trăm trai tráng tranh nhau cướp cù giữa trưa nắng

(Dân trí) - Hàng trăm thanh niên trai tráng tranh nhau quả cù giữa trưa nắng trong sự reo hò, cổ vũ của người dân tại lễ hội cướp cù ở làng Cẩm Phổ, huyện Gio Linh, Quảng Trị.

Cứ vào trưa ngày 7 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị lại tập trung ra đồi cát phía sau làng để tham gia lễ hội cướp cù.

Đây là lễ hội văn hóa truyền thống có từ hàng trăm năm nay, được người làng Cẩm Phổ tổ chức thường xuyên vào dịp Tết Nguyên đán để mọi người vui chơi, cầu mong cho vụ mùa mới tốt tươi, cuộc sống thịnh vượng.

Hàng trăm trai tráng tranh nhau cướp cù giữa trưa nắng

Ông Lê Văn Bảy, trưởng làng Cẩm Phổ, cho biết: “Lễ hội cướp cù bao gồm phần lễ và hội. Phần lễ là các bô lão có uy tín trong làng đứng ra thắp hương, dâng chén rượu và sản vật quê hương ở đình làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên và sung túc. Phần hội là trò chơi cướp cù được tổ chức vào khoảng 12h - 13h chiều cùng ngày”.

Quả cù được làm từ củ cây chuối, được đẽo tròn, nặng khoảng 3kg, đường kính tầm 30cm. Trò chơi không giới hạn số người tham gia, thường có khoảng 150 người, lúc đông có thể lên tới 250 - 300 người cùng cướp cù.

Sau hồi trống khai hội, hàng trăm thanh niên lao ra giữa bãi cát để tranh cù. Theo quy định, mỗi trận đấu cướp cù được chia làm ba hiệp, mỗi hiệp kéo dài 30 phút. Những người chơi tranh nhau quả cù rồi cố gắng ném quả cù cướp được vào chính rọ của đội mình được treo trên cột cao chừng 4 - 5m. Trận cù diễn ra rất quyết liệt bởi sự ngăn cản của đối phương. Nếu đội nào ném được quả cù vào rọ thì trận đấu kết thúc.

Người dân làng Cẩm Phổ hiện còn lưu truyền một giai thoại về lễ hội cù. Ngày xưa, có một đôi vợ chồng sinh sống ở vùng bắt Đập phía sau làng nhưng không có con. Xuất phát từ sự khát khao và niềm yêu thích con trẻ mà mỗi dịp Trung thu, vợ chồng này mua rất nhiều bánh, kẹo rồi rủ con trẻ ra đồi cát cạnh nhà, ném bánh kẹo lên cho chúng bắt. Hễ ai muốn bắt được nhiều kẹo thì phải tranh nhau. Hội cù cũng có nguồn gốc từ đó.

Theo các bậc cao niên ở làng Cẩm Phổ, đây là trò chơi dân gian, mang tính truyền thống của cha ông từ khi mới lập làng truyền lại. Hội cướp cù không quan trọng thắng, thua mà thể hiện sự đoàn kết cộng đồng, giao lưu văn hóa. Bên cạnh đó, hội cù còn mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng được tốt tươi, con cháu học hành đỗ đạt, đi làm ăn ngoài Bắc, trong Nam được thuận lợi, dân làng ra khơi thì thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá tôm. Nhiều cụ cao niên cho hay, năm nào không ném được cù vào rọ thì năm đó bị mất mùa, làng có điều bất ổn.

Trước đó, vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, người dân làng An Mỹ, xã Gio Mỹ cũng tổ chức lễ hội cù. Tuy nhiên, xét về bề dày lịch sử thì hội cù ở làng Cẩm Phổ có nguồn gốc lâu đời, từ đó lan sang các làng khác.

Một số hình ảnh do PV ghi nhận tại lễ hội cù:

Trưởng làng phát cù
Trưởng làng phát cù
Gấp rút đưa cù đến cột
Gấp rút đưa cù đến cột
 
Quyết liệt tranh cù
Quyết liệt tranh cù
Quyết liệt tranh cù

Gay cấn đưa cù về đích
Gay cấn đưa cù về đích
 
Chen chúc nhau tranh một quả cù
Chen chúc nhau tranh một quả cù
Khán giả hồi hộp xem hội.
Khán giả hồi hộp xem hội.
 
Khán giả hồi hộp xem hội.
Khán giả hồi hộp xem hội.

Đăng Đức