1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Nghệ An:

Hàng tỷ đồng tiêu huỷ gia súc có dập được dịch LMLM?

(Dân trí) - Một cán bộ thú y cấp tỉnh Nghệ An tiết lộ: Tỉnh phải tiêu huỷ gần 100 gia súc bị lở mồm long móng, số tiền Nhà nước hỗ trợ là hơn 500 triệu đồng. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, số tiền hỗ trợ sẽ phải lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng hiệu quả mà số tiền tỷ này mang lại chưa cao.

Nghệ An không phải là một trong những tỉnh đầu tiên xuất hiện dịch LMLM nhưng là tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ban đầu dịch xuất hiện nhỏ lẻ, được dập tạm thời nhưng lại tái bùng phát và lan nhanh.

 

Một cán bộ Trạm Thú y huyện Đô Lương cho biết: Trên địa bàn huyện đã có 5 ổ dịch LMLM cũ; với thời tiết như hiện nay, các ổ dịch này rất đễ tái phát, khi đó chắc chắn hơn 40 ngàn con trâu bò và gần 90 ngàn con lợn của cả huyện sẽ gặp nguy hiểm. 

 

Tính đến ngày 24/12, tổng đàn gia súc bị bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An được tiêu huỷ gần 100 con, trong đó phần lớn là trâu, bò. Một lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh này tiết lộ, với chính sách hỗ trợ như hiện nay (1kg trâu, bò hơi tỉnh hỗ trợ 18 ngàn, huyện hỗ trợ 7 ngàn) thì gần 100 con trâu, bò, lợn, Nhà nước đã phải chi hơn 500 triệu đồng. Nếu tính cả các chi phí tiền công tiêu huỷ và trong tình hình dịch LMLM có nguy cơ bùng phát mạnh như hiện nay thì số tiền hỗ trợ sẽ lên tới hàng tỷ đồng.

 

Trong khi đó, thời tiết mưa gió rất thuận lợi cho dịch lây lan nhanh. Tâm lý người dân thì vẫn cố trông chờ vào Nhà nước, chưa chủ động chống dịch, bảo vệ tài sản của chính mình; nhiều địa phương lân cận vùng dịch còn thả rông trâu bò.

 

Một cán bộ thú y trăn trở: “Trong khi ngân sách của các tỉnh, huyện đều eo hẹp, lấy đâu ra kinh phí để hỗ trợ. Thực tế qua theo dõi dịch LMLM do một loại vi rút gây bệnh, nhiều nơi bà con đã điều trị khỏi triệu chứng, gia súc vẫn sống khoẻ mạnh. Quan điểm của cơ quan chuyên môn, tiêu huỷ đàn gia súc bị nhiễm bệnh là nhằm để diệt mầm bệnh. Nhưng bản chất mầm bệnh LMLM là vi rút luôn tồn tại trong môi trường, rất khó tiêu diệt một cách triệt để”. 

 

Vậy nên việc chỉ áp dụng một biện pháp tiêu huỷ để diệt mầm bệnh là chưa hiệu quả? Cần khoanh vùng các ổ dịch cũ, thực hiện nghiêm ngặt qui trình tiêm phòng, tiêu độc khử trùng thường xuyên, bao vây khống chế dịch. Đối với những con bị bệnh cần tập trung điều trị, trường hợp quá nặng bất đắc dĩ mới phải tiêu huỷ. Như thế số tiền Nhà nước phải bỏ ra có thể sẽ ít hơn, và hiệu quả hơn.

 

Nhóm PV miền Trung