1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Hồ sơ di tích khu Hoàng Thành sẽ phải điều chỉnh?

(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc làm rõ ý kiến của Giáo sư Phan Huy Lê, trong đó có kiến nghị Nhà Quốc hội không được lấn sang khu di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội.

Ngày 11/6/2008, Giáo sư Phan Huy Lê đã gửi văn bản tới Chính phủ, trong đó có nội dung Nhà Quốc hội sẽ vượt quá khuôn viên Hội trường Ba Đình, lấn sang khu di tích Hoàng Thành Thăng Long một diện tích là 2.260 m2 và kiến nghị Nhà Quốc hội không được lấn sang khu di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội.

Giáo sư cũng kiến nghị việc lựa chọn và hoàn thiện phương án kiến trúc Nhà Quốc hội ngoài tính trang trọng và hiện đại, cần đặc biệt coi trọng tính dân tộc và tính hài hoà.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 11/10/2006, Bộ Chính trị đã có kết luận tại Văn bản số 42-TB/TW trong đó nêu rõ: "Bộ Chính trị đồng ý chọn địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội trong khu vực 18 Hoàng Diệu với diện tích khoảng 4 ha đất.

Việc xác định vị trí cụ thể dựa trên cơ sở ưu tiên cho việc lựa chọn một số hố khai quật khảo cổ để làm bảo tàng tại chỗ và nhà trưng bày các hiện vật khai quật được của khu di tích...

Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan bổ sung, hoàn chỉnh Đề án xây dựng Nhà Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định".

Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành tổ chức lập Quy hoạch xây dựng Lô D khu Trung tâm chính trị Ba Đình, trong đó xác định rõ ranh giới, chức năng, nhiệm vụ 2 khu vực:

Khu vực bảo tồn di tích, trước hết là Khu A và Khu B (ký hiệu trong bản đồ Viện Khảo cổ học); Khu vực xây dựng Nhà Quốc hội tại khu C và khu D (ký hiệu trong bản đồ Viện Khảo cổ học).

Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà Quốc hội trên diện tích 4 ha trong khu C và khu D sẽ không thể bảo tồn được nguyên trạng các vị trí khai quật có di tích tiêu biểu trong khu D nên các cơ quan quản lý về xây dựng, văn hoá, khảo cổ nghiên cứu bổ sung và thống nhất đề xuất phương án xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình với quy mô chiếm đất khoảng 0,8 ha; cải tạo đường Bắc Sơn thành quảng trường phía Nam Nhà Quốc hội.

Sau khi tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, lựa chọn phương án kiến trúc nhà Quốc hội với sự tham gia đóng góp ý kiến của các ban, ngành, các chuyên gia, Bộ Chính trị đã có kết luận: "… đồng ý lựa chọn phương án kiến trúc Nhà Quốc hội là phương án đạt giải A (đã được nâng cấp)... Nhà Quốc hội xây dựng tại Lô D với diện tích mặt bằng 102x102 m, vị trí cho phép lùi không quá 20 m về phía Đông khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay.

Đồng thời, nếu có phát lộ các di tích khảo cổ sẽ được lựa chọn để đưa vào bảo tàng. Nhà Quốc hội là trụ sở làm việc của Quốc hội, nơi tổ chức lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của Quốc gia, nơi đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng và Nhà nước".

Như vậy, quá trình lựa chọn địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội, vị trí xây dựng Nhà Quốc hội, lập Nhiệm vụ thiết kế, nội dung nâng cấp phương án kiến trúc Nhà Quốc hội, lựa chọn Phương án kiến trúc Nhà Quốc hội, Phương án bảo tồn phát huy giá trị khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu đều có sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành, chính quyền có liên quan và đã được thống nhất.

Hơn nữa, không chỉ Nhà Quốc hội mà ngay cả tổng mặt bằng bảo tồn di tích 18 Hoàng Diệu trên Lô D bao gồm hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc, cảnh quan do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập sẽ được xây dựng hoàn thành đồng bộ với Nhà Quốc hội cũng không có trong hồ sơ di tích xếp hạng tại Quyết định số 16-BVHTTDL ngày 28/12/2007.

Như vậy, theo ý kiến của Bộ Xây dựng, hồ sơ di tích do UBND TP Hà Nội trình, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích Quốc gia sẽ phải điều chỉnh bổ sung để trình Unesco xem xét công nhận di sản văn hoá thế giới.

Không những thế toàn bộ Lô D (trừ khuôn viên Hội trường Ba Đình) đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xác định là di sản cấp Quốc gia, nằm trong khu vực bảo vệ I.

Theo Luật di sản văn hoá, khu vực này phải được bảo vệ nguyên trạng, nếu xây dựng chỉ là bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, không thể xây dựng mới như phương án quy hoạch xây dựng Nhà Quốc hội gắn với phương án bảo tồn di tích 18 Hoàng Diệu. Vì vậy, việc điều chỉnh quyết định số 16 là không thể tránh khỏi.

Đối với kiến nghị về phương án kiến trúc Nhà Quốc hội ngoài tính trang trọng và hiện đại, cần đặc biệt coi trọng tính dân tộc và tính hài hoà, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “Phương án kiến trúc Nhà Quốc hội sẽ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng công trình và thiết kế công trình”.

Hiện nay, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý dự án, Tư vấn thiết kế cùng các cơ quan chuyên môn có liên quan nghiên cứu thực hiện nghiêm túc và ở mức độ cao nhất để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội cũng như nguyện vọng của nhân dân cả nước về phương án kiến trúc Nhà Quốc hội.

Lan Hương