1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Hóc búa giải bài toán điện hay lúa?

(Dân trí) - Đến thời điểm này, mặc dù lượng nước trên sông Hồng đã tăng lên đáng kể nhưng hầu hết hệ thống bơm của 13 tỉnh thành hạ lưu phía Bắc đều chỉ hoạt động cầm chừng với công suất rất thấp. Chưa năm nào bài toán cân bằng giữa điện và thuỷ lợi lại hóc búa như năm nay.

Cầm cự với hạn hán

Từ nhiều ngày nay, 415 trạm bơm thuỷ lợi của tỉnh Hưng Yên chỉ hoạt động được tối đa 75% công suất. Cống Xuân Quan (Hưng Yên) - công trình đầu mối tưới tiêu lớn nhất của hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải, cung cấp nước cho 4 tỉnh - trong những ngày qua, lúc cao điểm chỉ hoạt động được gần 80% công suất.

Vào thời điểm 14h10 ngày 7/2/06, lưu lượng nước xả ra tại hồ Hoà Bình (5 máy) là 1.100m3/s, Thác Bà (2 máy) là 180m3/s, nước về hồ Hoà Bình là 350-400m3/s. Lưu lượng nước bơm lên tại trạm bơm Phù Sa là 7m3/s, trạm Liên Mạc là 35m3/s.

Theo ông Bùi Xuân Bài - PGĐ Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên thì tỉnh đã khắc phục hạn hán bằng mọi cách có thể, như: Tập trung tối đa vào nạo vét kênh cống, tu sửa máy móc, huy động thêm hàng trăm máy bơm dã chiến để lấy nước khi thuỷ điện Hoà Bình xả nước... Tuy nhiên tới thời điểm chiều 7/2 thì mực nước đo được tại đây mới là 1,7m, trong khi hệ thống bơm nước chỉ có thể hoạt động được ở mực nước tối thiểu là 1,85m.

Ông Bài nhấn mạnh: “Nếu không đủ nước thì 2.000ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cực thấp. Trong thời điểm khó khăn này hai ngành điện lực và nông nghiệp cần chia sẻ những thiệt hại vì an ninh lương thực luôn luôn phải được chú trọng”.

Theo ước tính, hiện tại tỉnh Hưng Yên có tới 8.000ha diện tích đất canh tác chưa có nước tưới tiêu. Trong số 32 nghìn ha đã có nước thì 10 nghìn ha đã cạn. Nhìn chung, vụ mùa này phụ thuộc tất cả vào việc nước có hay không.

Trạm bơm Văn Giang, Văn Lâm... cũng trong tình trạng tương tự, mực nước trên sông không đủ hoặc chỉ đủ để các trạm này hoạt động cầm chừng.

Nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tây (địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất trong đợt hạn hán), trạm bơm Phù Sa có quy mô lớn nhất miền Bắc. Trạm bơm này gồm 4 tổ máy, có công suất 10.080m3/h/tổ máy. Mực nước tối thiểu để trạm có thể vận hành là 5,2m, nhưng ở thời điểm chiều 7/2, mực nước đo được tại đây là 5,06m.

Với mực nước này, trạm chỉ có thể vận hành 2 tổ máy để “cầm cự”. Vào giờ cao điểm, trạm bơm này chỉ có thể lấy nước với lưu lượng 200m3/s.

Trước tình trạng này, BQL trạm bơm đã khẩn cấp lắp đặt trạm bơm dã chiến, gồm 11 máy hút trực tiếp nước từ sông Hồng vào kênh. Tuy nhiên giải pháp tình thế này chỉ đáp ứng được một phần nước rất nhỏ cho nông nghiệp (tối đa là 25%).

Thiếu nước, ngoài việc khó khăn trong nông nghiệp thì hiện nay nhiều địa phương ở Hà Tây, Hà Nam, Hưng Yên lại xuất hiện thêm tình trạng ô nhiễm môi trường. Giải thích hiện tượng này, những cán bộ thuỷ lợi cho biết: nguồn nước thải xả ra rất lớn trong khi nước từ đầu nguồn về ít, do đó nước ngầm bị nhiễm bẩn. Thực tế, nhiều giếng khơi của người dân đã xuất hiện mùi lạ.

Trước tình trạng này, đa phần các cán bộ thuỷ nông đều mong muốn ngành Điện lực sẽ xả nước nhiều và liên tục hơn nữa. Theo ông Đặng Tuấn Hùng- GĐ Cty khai thác công trình thủy lợi Phù Sa - Đồng Mô, thì ngành Điện cần tính toán xả nước tập trung trong thời gian ít nhất là từ nay tới 16-18/2 thì mới tránh được hạn hán cho vùng hạ lưu.

Xả nước chỉ là thụ động

Theo đo đạc, lượng nước bơm vào các công trình thuỷ lợi của 13 tỉnh phía Bắc chỉ chiếm cùng lắm là 1/10 lượng nước hồ Hoà Bình xả ra. Tại thời điểm này, thuỷ điện Hoà Bình vẫn tiếp tục xả nước với lưu lượng bình quân ngày khoảng 1.000-1.200m3/s. Tuy nhiên, khoảng 1.000 máy bơm nước trên 13 tỉnh thành miền Bắc chỉ hút được trên dưới 200m3/s. Số còn lại đổ cả ra biển, cực kỳ lãng phí.

Ông Đào Văn Hưng - TGĐ TCT Điện lực Việt Nam đưa ra con số khiến nhiều người không khỏi lo âu: Cứ đà này, số nước đổ ra biển tương đương với 300 triệu KW điện, bằng số điện sử dụng của 5 tỉnh thành miền Bắc trong cả một năm.

Theo ông Hưng, việc xả nước ở hồ Hoà Bình và Thác Bà chỉ là giải pháp tình thế và thụ động. Để giải quyết bài toán hạn hán trong những năm tới thì các địa phương cần chú trọng tới những giải pháp khác như hạ cốt trạm bơm, xây dựng các đập tràn... Phải tới năm 2010, khi có hồ thủy điện Sơn La thì lượng nước mới có thể điều tiết, giải quyết cơ bản bài toán hạn hán.

Ông Hưng cũng cho biết, TCT Điện lực sẽ sớm có văn bản đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn để tháo gỡ khó khăn này.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi các Bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm đối phó với tình hình hạn hán tại các tỉnh đồng bằng và trung du bắc Bộ. Công điện nhấn mạnh: Kiên quyết chuyển đổi diện tích trồng lúa ở các vùng không đủ khả năng cân đối nguồn nước.

Các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành bị thiếu nước, khô hạn phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp chống hạn theo Chỉ thị số 41/2005 CT-TTg ngày 29/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng chống hạn, bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân 2005 – 2006 ở các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh chủ động sắp xếp, bố trí nguồn lực địa phương, dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu ngân sách địa phương năm 2005 huy động đóng góp để chống hạn, bảo vệ sản xuất. Trường hợp các địa phương có khó khăn về nguồn thu, Bộ Tài chính tăng tiến độ bổ sung cân đối ngân sách trong dự toán năm 2006 để địa phương chủ động thực hiện.

Nguyễn Hiền

Bảo Trung