Hơn 17.800 cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2023

Thế Kha

(Dân trí) - 17.808 cán bộ đảng viên, công chức, viên chức đã bị kỷ luật; số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người (trong đó trung ương 983 người và địa phương 9.897 người).

Thông tin kỷ luật cán bộ được Bộ Nội vụ đưa ra chiều 19/12 (số liệu thống kê tính từ ngày 1/1 đến ngày 15/12).

Bộ Nội vụ khẳng định đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Hơn 17.800 cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2023 - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng).

Cơ quan này đã có báo cáo về thực trạng, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước.

Đề xuất Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ cho các bộ, cơ quan, địa phương yên tâm thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ theo quy định.

Ngoài ra, trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 42.115 công chức, viên chức (trung ương 1.293 người và địa phương 40.822 người).

"Các địa phương đã quan tâm, chú trọng thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; kịp thời bổ sung số công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc. Một số địa phương tiếp tục thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng, như Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng…", Bộ Nội vụ cho hay.

Tính đến tháng 12, Bộ Nội vụ cho biết 100% bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành việc kết nối, đồng bộ dữ liệu gần 2,5 triệu hồ sơ cán bộ công chức, viên chức kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương

Bộ Nội vụ dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị, giảm 140 đơn vị so với năm 2021 (tương ứng giảm 13,53%).

Năm nay các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong. Theo đó, giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước; đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập - tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập.

Riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị, còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2022 có 46.621 đơn vị).

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng các Đề án Đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập; báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ kết quả rà soát số liệu biên chế viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm là công chức tại các bộ, ngành, địa phương.

Qua đó đã bổ sung gần 10.500 biên chế công chức cấp xã, bổ sung trên 28.700 biên chế giáo viên cho các địa phương. Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo vị trí việc làm. Từ ngày 1/1 đến ngày 15/12, tổng số đối tượng tinh giản biên chế lên tới trên 7.000 người.

Nhiều chế độ, chính sách về tiền lương

Về chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ cho hay đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó, tăng lương cơ sở từ 1.490.000đ/tháng lên 1.800.000đ/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 1/7/2023.

Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương và trình Quốc hội thông qua lộ trình cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024; ban hành 3 thông tư thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; phối hợp với Ban Công tác Đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.