1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hơn 2.000 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, Hà Nội hỗ trợ thế nào?

Hà Mỹ

(Dân trí) - Nhiều phường ở Hà Nội đã niêm yết danh sách lấy ý kiến người dân về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố cũng có phương án hỗ trợ cho tối đa hơn 2.000 cán bộ công chức dôi dư.

Trong năm 2024, Hà Nội dự kiến hoàn thành việc sắp xếp lại 173 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 25 phường thuộc các quận trung tâm. Hiện, các địa phương thuộc diện sắp xếp đã lên kế hoạch niêm yết danh sách cử tri, chuẩn bị cho công tác lấy ý kiến sau một tháng tới. 

Niêm yết danh sách lấy ý kiến người dân

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng), cho biết theo phương án được thành phố đưa ra, dãy số nhà chẵn của phường Cầu Dền sẽ sáp nhập với phường Bách Khoa, còn lại dãy số nhà lẻ hợp nhất với phường Thanh Nhàn. 

"Sau khi biết phương án sáp nhập, cán bộ công chức của phường vẫn làm việc bình thường, không ai tâm tư hay e ngại điều gì. Phường cũng tuyên truyền để người dân hiểu và sẵn sàng thực hiện việc sáp nhập theo phương án của thành phố", ông Tuấn nói. 

Hơn 2.000 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, Hà Nội hỗ trợ thế nào? - 1

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Cầu Dền (Ảnh: Hà Mỹ).

Trước mắt, phường đã cấp tập để lập, niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường. Danh sách được hoàn thiện trong hai ngày sau khi quận có chỉ đạo. 

Ông Tuấn cho biết đã huy động cả cảnh sát khu vực phối hợp với cán bộ UBND phường, cùng cán bộ cơ sở kịp hoàn thiện danh sách, niêm yết vào ngày đầu tuần (ngày 25/2). Theo đó, tổng số cử tri của phường là 7.206 người, chia thành 8 tổ dân phố. 

Ngoài trụ sở UBND phường Cầu Dền, danh sách này được niêm yết ở nhà sinh hoạt chung của từng tổ dân phố trong tối thiểu 30 ngày. Dự kiến đến cuối tháng 3, địa phương sẽ tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri về phương án sáp nhập.

Ông Tuấn cho biết qua nắm bắt các ý kiến, cán bộ và người dân của phường Cầu Dền mong muốn bên cạnh hiệu quả tinh gọn bộ máy, việc sáp nhập cũng giúp tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; đảm bảo an sinh xã hội, cũng như phục vụ tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Hơn 2.000 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, Hà Nội hỗ trợ thế nào? - 2

UBND phường Cầu Dền hoàn tất việc niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường (Ảnh: Hà Mỹ).

Đây không phải lần đầu Hà Nội thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Năm 2019, thành phố đã sắp xếp lại một phường, xã thuộc quận Hai Bà Trưng, huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên. 

Trong đó, 3 phường ở quận Hai Bà Trưng từng được điều chỉnh diện tích và dân số theo phương án một phần nhỏ phường Ngô Thị Nhậm sáp nhập vào phường Nguyễn Du; còn lại phần lớn được sáp nhập vào phường Phạm Đình Hổ. 

Sau hơn 4 năm kể từ ngày điều chỉnh diện tích tự nhiên lên 0,48km2 và quy mô dân số 12.611 người, lãnh đạo phường Phạm Đình Hổ khẳng định bộ máy cán bộ, công chức đã tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả hơn. Công tác phục vụ người dân cũng vì thế tốt hơn. 

Tuy nhiên sau khi sáp nhập, số cán bộ công chức tăng nhưng trụ sở Đảng ủy, UBND phường Phạm Đình Hổ ở vị trí số 44 Trần Xuân Soạn là biệt thự cấp 2 nên đơn vị gặp khó trong công tác cải tạo, sửa chữa. Suốt nhiều năm nay, trụ sở giữ diện tích nhỏ hẹp, gây bất tiện cho người dân và cán bộ. 

Trường hợp này cho thấy các địa phương cần thêm phương án sắp xếp trụ sở làm việc mới cho cán bộ, công chức sau khi sáp nhập để phù hợp với bộ máy mới, cũng tạo thuận lợi cho người dân khi đến làm việc. Cùng với đó, trụ sở làm việc không còn dùng đến cũng cần có phương án sử dụng, tránh lãng phí. 

Hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sáp nhập

Theo lộ trình, năm 2024, Hà Nội sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Cùng với đó, thành phố tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức.

UBND TP Hà Nội cho biết sau khi sắp xếp lại, thành phố giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, nhiều cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư, không được bố trí tiếp tục công tác.

Dự kiến sau khi sắp xếp, tối đa 1.365 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, phải nghỉ. Con số này ở nhóm không chuyên trách cấp xã là 804 người. 

Đối với viên chức dôi dư, nghỉ công tác do sáp nhập đơn vị sự nghiệp (là các trường mầm non, tiểu học, THCS và trạm y tế), số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư được tính theo số thực tế tại thời điểm thực hiện sáp nhập.

Theo đó, Hà Nội dự kiến có chế độ hỗ trợ cho các đối tượng trên. 

Hơn 2.000 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, Hà Nội hỗ trợ thế nào? - 3

Hà Nội lên phương án hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã, phường dôi dư sau sáp nhập (Ảnh minh họa: Tố Linh).

Cụ thể, thành phố hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng/người đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Số tiền này bao gồm: tiền lương theo hệ số, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nghỉ công tác trong 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền, Hà Nội hỗ trợ một tháng phụ cấp hiện hưởng/năm công tác ở chức danh hiện giữ. 

Nếu có số tháng lẻ từ 6 tháng trở xuống, số tiền hỗ trợ là 1/2 tháng phụ cấp hiện hưởng. Số tháng lẻ từ 7 tháng trở lên được tính là một năm. 

Với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư nhưng nghỉ công tác kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền, phương án hỗ trợ là 1 tháng phụ cấp của chức danh hiện hưởng trên mỗi năm nghỉ công tác.

Tổng số mức hỗ trợ không quá 3 tháng phụ cấp hiện hưởng/người.

Trong đó, thời điểm nghỉ công tác là thời điểm thôn, tổ dân phố mới đi vào hoạt động. Thời gian tính để hưởng hỗ trợ là thời gian giữ chức danh còn lại của nhiệm kỳ tại thôn, tổ dân phố cũ.

Theo quy định, thời gian thực hiện chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức dôi dư nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 là 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành.

Hà Nội dự kiến dành ra 46.342 tỷ đồng kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023-2025. 

Sắp tới, thành phố cũng sẽ lên phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.

Cùng với đó, địa phương sẽ triển khai các chế độ, chính sách đặc thù (nếu có) tại các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.