1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Khẳng định cơ chế bảo hiến bằng Tòa án Hiến pháp?

(Dân trí)- “Các ý kiến góp ý đến thời điểm hiện tại đề nghị tiếp tục khẳng định, hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, thành lập Tòa án Hiến pháp” - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu báo cáo trong Hội nghị toàn quốc triển khai việc lấy ý kiến sửa Hiến pháp sáng nay.

Khẳng định cơ chế bảo Hiến bằng Tòa án Hiến pháp?

Nhấn mạnh về quan điểm lấy ý kiến người dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích, đây là việc thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân với các vấn đề quốc gia đại sự, tạo điều kiện cho người dân thể hiện quan điểm, chính kiến. Nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, một công việc hệ trọng của quốc gia. Trong lịch sử lập hiến, việc xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi Hiến pháp đều tiến hành lấy ý kiến nhân dân.

Ông Hùng nhắc, việc lấy ý kiến người dân xuất phát từ tư tưởng tất cả mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng trong toàn dân, góp phần làm cho Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Lấy ý kiến cũng là một cách làm dân chủ, thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân với các vấn đề quốc gia đại sự, tạo điều kiện cho người dân thể hiện quan điểm, chính kiến. “Việc lấy ý kiến dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng quốc gia, cần sự tham gia rộng khắp và thực chất của dân” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp - ông Phan Trung Lý nhấn mạnh, việc lấy ý kiến phải đảm bảo bao gồm nhiều hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người Việt trong và ngoài nước đều có thể tham gia góp ý.

Theo đó, việc lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, rộng rãi, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu giải trình nghiêm túc.

Yêu cầu đặt ra là báo cáo tổng hợp phải được phản ánh đầy đủ mọi ý kiến dân gửi đến. Chẳng hạn, phải có đánh giá chung về bản dự thảo, ý kiến về từng nội dung, về bố cục và kỹ thuật xây dựng Hiến pháp. UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải nêu rõ những nội dung tán thành hoặc không tán thành với đầy đủ lý do cụ thể. Báo cáo giải trình cũng phải làm rõ các nội dung sẽ sửa đổi, nội dung được bổ sung mới hoặc nội dung được đưa ra khỏi bản dự thảo…

Theo kế hoạch, chậm nhất đến giữa tháng ba, báo cáo tổng hợp của các bộ ngành phải được gửi đến cơ quan chức năng. Dự kiến vào khoảng cuối tháng 4, Ban biên tập của UB dự thảo sửa đổi sẽ trình dự thảo báo cáo kết quả lấy ý kiến và dự kiến những vấn đề cần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để trình UB dự thảo xem xét, quyết định.

Báo cáo về những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Lưu cho biết để làm rõ hơn chủ quyền nhân dân, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN, Dự thảo bổ sung 3 điều mới quy định về 3 thiết chế hiến định độc lập vào Chương X, gồm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

Việc bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp (Điều 120) được lý giải là nhằm thực hiện chủ trương của Đại hội IX, X và XI về việc xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.

“Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là một bước cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời có một cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp chính là tạo thêm một phương thức mới, bổ sung một công cụ để Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và bảo vệ các giá trị của nền dân chủ XHCN và chủ quyền nhân dân” - ông Lưu cho biết.

Theo ông Lưu, qua thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị cần tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành của Hiến pháp năm 1992, có ý kiến đề nghị thành lập Tòa án Hiến pháp, có ý kiến lại đề nghị cân nhắc không thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp. Do các cơ quan này mới nên Hiến pháp mới chỉ quy định nguyên tắc, còn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức… sẽ do luật định.

P.Thảo