1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Không thể để “ăn nhiều” rồi hạ cánh an toàn!

(Dân trí) - Đại biểu Phạm Thị Thành cho rằng hiện có quá nhiều hình thức tham nhũng, trong đó rất phổ biến là “nhận” người. Bà dẫn ra trường hợp của cháu gái mình có bằng y sĩ, muốn vào làm tại một trung tâm phải “đút” 30-40 triệu đồng.

Không ít đại biểu HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh rằng, cử tri đã rất bức xúc về vấn nạn tham nhũng, lãng phí ở thành phố. Nhưng chống tham nhũng, lãng phí như thế nào, theo chiều dọc hay chiều ngang, chống ở chỗ nào, ai đứng ra chống? Những câu hỏi trên đã được các đại biểu HĐND phân tích theo nhiều hướng khác nhau trong buổi họp sáng nay.

 

Hà Nội đang… “yên bình”?

 

Theo bà Thành, một quan chức chuyển về Hà Nội công tác thường gánh thêm 6-7 người nhà ra làm cùng cơ quan. Rõ hơn, bà đưa ra dẫn chứng một vị lãnh đạo thành phố năm đầu nhận chức nhận vài trăm triệu đã “sung công”, mấy năm tiếp theo lẽ ra phải nộp nhiều hơn, nhưng thực tế chẳng thấy nộp thêm đồng nào. Rồi những cảnh rượu quí, phong bì đến nhà quan bị từ chối cửa trước nhưng lại lọt cửa sau đang rất phổ biến.

 

Dẫu vậy, việc chống tham nhũng theo quan điểm của bà Thành: cán bộ ngồi với nhau (như trong cuộc họp này) nói chuyện tham nhũng rất khó vì không có chứng cớ lại dễ động chạm và bản thân bà để phát biểu hôm nay cũng đã phải suy nghĩ rất kĩ. Theo bà chỉ có một người nói được là “người dân”, người cận kề với cán bộ tại nơi ở, có thể nắm rõ những tài sản chìm nổi của cán bộ.

 

Phải khen thưởng người tố cáo cũng như khen thưởng các cơ quan báo chí “dũng cảm” là giải pháp mà bà Thành đưa ra. Theo bà, nếu không làm được như vậy, chúng ta tiếp tục chứng kiến cảnh chua xót: Ăn nhiều mà hạ cánh an toàn là được chúc mừng ghê lắm!”.

Đại biểu Vũ Đức Tân nói, Hà Nội đang là một nơi khá “yên bình”, không có vụ tham nhũng lớn nào xảy, từ đó đặt ra câu hỏi: “thực tế có như vậy không?”. Theo như ông Tân, vấn đề cốt lõi là do khâu thanh tra của thành phố quá yếu.

 

Theo báo cáo kết quả chống tham nhũng, trong 82 cuộc thanh tra có 59 cuộc đã hoàn thành, phát hiện sai phạm 3,3 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 1 tỉ đồng, thu được hơn 800 triệu - một kết quả mà ông cho là quá “hời hợt”. Ông “mỉa mai” rằng, số tiền chi phí cho việc thanh tra có khi còn lớn hơn số tiền thu về.

 

Khi thanh tra chưa hiệu quả thì không thể kéo công an và toà án vào cuộc quyết liệt được. Vấn đề lúc này theo ông là thanh tra phải “bám sát” những người có chức quyền có biểu hiện tham nhũng và có đơn kiện. Ông đưa ra một biểu hiện: “Một người kí sai 5-6 lần thì chắc chắn phải có vấn đề”.

 

Đại biểu Nguyễn Thế Phúc có sáng kiến: chống tham nhũng phải làm theo hàng dọc chứ không dàn hàng ngang. Cụ thể, phải chọn những vụ việc điển hình để làm đến nơi đến chốn, xử lí thật triệt để.

 

Xây đẹp cho khỏi lãng phí

 

Phát biểu đầu tiên của đại biểu Nguyễn Hoài Nam "nhắm bắn" vào vấn đề lãng phí: "Chúng ta vẫn chưa nhận thức đủ về các loại hình lãng phí. Phải nhận diện rõ những biểu hiện dưới mọi hình thức của nó và làm rõ nguyên nhân dẫn đến tệ lãng phí thì mới có giải pháp hữu hiệu”.

 

Ông Nam vạch ra tới 5 - 7 hình thức lãng phí từ cách quản lý hiện tại: quy hoạch lãng phí (có những dự án quy hoạch đất làm đường hầm chui, làm công viên rồi không để phục vụ ai, không giải quyết được vấn đề gì, rạp hát, rạp chiếu phim xây dựng xong lại để làm salon ôtô…); lãng phí khi cổ phần hóa doanh nghiệp (khép kín việc cổ phần, bỏ một số tài sản bên ngoài danh mục kê khai, đánh giá tài sản nhà nước thấp hơn giá trị thực)…

 

Đặc biệt ông Nam tỏ ra "bức xúc" về lãng phí trong việc không kiên định về chính sách. Đơn cử như việc ngừng cấp đăng ký hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán bar, karaoke: “Rất nhiều nhà kinh doanh đã bỏ ra bạc tỉ để đầu tư những phòng hát, quán bar đúng quy định rồi lại không được cấp phép kinh doanh. Vậy là lãng phí bao nhiêu tiền vốn nằm lại đó, vậy là giết chết doanh nghiệp…".

 

Ông Phạm Xuân Hằng nhấn mạnh một đề xuất chống lãng phí, thực hành tiết kiệm: nhanh chóng hoàn thiện, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Vị đại biểu này nêu ví dụ minh hoạ ngay về việc lãng phí ghê gớm khi thủ tục hành chính rườm rà: có những cơ quan bắt dân đi lại lòng vòng hàng trăm lần, kéo dài hàng năm trời để hoàn thành một hồ sơ, thủ tục nào đó. Thậm chí có cán bộ trước khi giải quyết còn hất hàm hỏi: “hàng xách tay này của ai đấy?”.

 

Về chống lãng phí trong xây dựng cơ bản ông Nguyễn Thế Phúc đưa ra một quan điểm không mới nhưng chúng ta vẫn chưa học được. Thời Hán Cao Tổ, Tiêu Hà đã tư vấn xây cung điện: “xây thật đẹp để nhiều đời sau không phải xây lại”. Dễ nhìn hơn, người Pháp xây dựng những công trình mà 100 năm sau vẫn không hề thấy lạc hậu.

 

Cấn Cường - Phương Thảo 

Dòng sự kiện: Họp HDND Hà Nội